Vài ngày sau khi tung ra các đòn thuế khiến chiến tranh thương mại sục sôi, Mỹ - Trung thể hiện họ muốn xuống thang căng thẳng.
"Trung Quốc có nhiều biện pháp trả đũa, nhưng chúng tôi nghĩ vấn đề nên được thảo luận là loại bỏ thuế với 550 tỷ USD hàng hóa để ngăn leo thang chiến tranh thương mại. Điều quan trọng nhất là tạo ra các điều kiện cần thiết để tiếp tục đàm phán", phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong ngày 29/8 nói.
Giọng điệu của Trung Quốc tương đồng với điều Trump thể hiện trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp hồi đầu tuần. Ông nói rằng Mỹ có hai cuộc điện đàm rất tốt với Trung Quốc sau khi các nhà đàm phán bày tỏ quan tâm đến việc đạt được thỏa thuận. Trump hôm 29/8 cho biết hai bên có một cuộc thảo luận "ở cấp độ khác" vào cùng ngày nhưng không cung cấp chi tiết cụ thể.
Chiến tranh thương mại leo thang từ tuần trước sau khi Bắc Kinh áp thuế với 75 tỷ USD hàng Mỹ để đáp trả việc Trump áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc. Trump sau đó áp thuế 30% với 250 tỷ USD và 15% với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc. Ông còn ám chỉ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "kẻ thù" và yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ cắt đứt quan hệ với Trung Quốc.
Những tín hiệu Mỹ - Trung phát đi vào ngày 29/8 cho thấy hai bên có thiện chí làm việc hướng tới một thỏa thuận. Bắc Kinh nói rằng hai bên đang thảo luận để chuẩn bị cho cuộc họp song phương cấp cao ở Washington vào tháng 9.
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Osaka hồi tháng 6. Ảnh: AFP.
Ed Yardeni, chủ tịch công ty nghiên cứu Yardeni Research cho rằng những dấu hiệu này đã đủ để các nhà đầu tư nuôi hy vọng. "Ít nhất thì nó tích cực hơn việc Trung Quốc nói rằng họ không muốn theo đuổi bất kỳ cuộc đàm phán nào nữa".
"Việc Trung Quốc tuyên bố họ muốn giải pháp đàm phán thay vì đáp trả các đòn tăng thuế được coi là động thái xuống thang căng thẳng đáng kể, vì các nhà đầu tư từng lo ngại Bắc Kinh sẽ từ bỏ đàm phán do chán nản về các chiến lược gây áp lực của Nhà Trắng", Brendan Walsh, chuyên gia từ nhóm phân tích Đối tác Chính sách Thị trường, nói.
Lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng trong những tuần gần đây. Bộ Thương mại Mỹ tuần này cho biết tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã chậm lại trong quý hai so với ước tính trước đây. Tăng trưởng GDP là 2%, ít hơn ước tính 2,1% vào tháng trước.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chững lại ở mức thấp nhất trong 27 năm qua, do sản lượng nhà máy giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng và động thái cắt giảm lãi suất trong những tuần gần đây của các lãnh đạo ngân hàng trung ương ở châu Âu, châu Á và Australia do nhu cầu kích thích kinh tế.
Một cuộc khảo sát các công ty Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc cho thấy họ vẫn kiếm được lợi nhuận ở Trung Quốc, nhưng 81% đánh giá căng thẳng thương mại leo thang đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Craig Allen, cựu quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ đồng thời là chuyên gia về Trung Quốc, kêu gọi hai nước sớm quay trở lại bàn đàm phán để chấm dứt các đòn thuế và tránh những hậu quả lâu dài đến quan hệ kinh doanh song phương.
"Chuyến đi Washington sắp tới của phái đoàn Trung Quốc sẽ được các nhà quan sát thị trường coi là một sự kiện có thể mang tính bước ngoặt", Walsh nói.
Theo Phương Vũ /VnExpress
(Nguồn Washington Post)