Anh, Pháp, Đức ra tuyên bố chung kêu gọi hòa bình ổn định trên Biển Đông, trong khi Ấn Độ phản đối đe dọa hoặc dùng vũ lực.
Tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc. Ảnh: Gulf Times.
"Chúng tôi rất lo ngại tình hình Biển Đông có thể dẫn đến bất ổn, mất an ninh trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả quốc gia ven Biển Đông thực hiện các bước và biện pháp giảm căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn trong khu vực, bao gồm chú ý quyền của những quốc gia ven biển trong lãnh hải của họ và quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông", Anh, Pháp, Đức hôm qua ra tuyên bố chung cho hay.
Ba nước châu Âu đều là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), nhấn mạnh cần thực thi UNCLOS trên toàn cầu nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý toàn diện cho hoạt động ở các vùng biển, trong đó có Biển Đông. "Công ước phải được thực hiện, tạo cơ sở cho hợp tác quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải", tuyên bố có đoạn, cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016 cũng dựa theo UNCLOS.
"Anh, Pháp và Đức hoan nghênh những cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được bộ quy tắc ứng xử phù hợp với UNCLOS ở Biển Đông, khuyến khích các bên sớm đạt thỏa thuận", tuyên bố chung của ba nước cho hay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar hôm 29/8 nói rằng Biển Đông là một phần của cộng đồng toàn cầu và New Delhi quan tâm sâu sắc đến hòa bình, ổn định khu vực.
"Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở tại các vùng biển quốc tế theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Sự khác biệt phải được giải quyết một cách hòa bình bằng cách tôn trọng quy trình pháp lý và ngoại giao, không thể dùng đến đe dọa hoặc sử dụng vũ lực", ông Kumar cho hay.
Tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ tống của Trung Quốc hôm 13/8 tái xâm phạm vùng biển Việt Nam sau khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở nam Biển Đông đầu tháng 7 rồi rút đi hôm 7/8. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc, yêu cầu nước này rút tàu và không có hành vi đe dọa an ninh, hòa bình ở khu vực.
Nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản đã lên tiếng phản đối các hành động làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều ra thông cáo chỉ trích Trung Quốc can thiệp hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông, làm suy yếu hòa bình, an ninh khu vực và vi phạm các quy tắc quốc tế.
Theo Huyền Lê/VnExpress