Nhiều máy bay của Liên Xô bị dừng lại trên bản vẽ hoặc chỉ có cơ hội cất cánh một hoặc vài lần trong đời.
MiG-105.11
Trong những năm Chiến tranh Lạnh, cả Mỹ và Liên Xô đều chế tạo những chiếc máy bay vũ trụ, trong tương lai có thể được sử dụng làm máy bay ném bom quỹ đạo. Bên kia đại dương, các chuyên gia Mỹ tạo ra chiếc máy bay thí nghiệm X-20 DynaSoar, còn Liên Xô miệt mài nghiên cứu chiếc MiG-105.11 có tên Nga là "Lapot" hay "giày sợi" do hình dáng phần mũi của nó.
MiG-105.11. (Ảnh: Sputnik)
Các chuyên gia có ý định sử dụng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-7 để đưa chiếc máy bay này lên quỹ đạo, nhưng điều này không xảy ra. Vào cuối những năm 1970, nguyên mẫu được thử nghiệm ở tốc độ cận âm: nó được một chiếc máy bay ném bom Tu-95 mang theo dưới bụng được thả ra từ độ cao lớn.
Nguyên mẫu cận âm bay với tốc độ lên đến 800 km/h, trọng lượng 3 tấn rưỡi, có một phi công. Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm kết thúc sau một tai nạn nghiêm trọng. Hôm 13/9/1978, phi cơ quỹ đạo bị hư hại nặng khi hạ cánh. Sau đó, dự án chấm dứt hoạt động do chi phí quá cao. Nguyên mẫu độc đáo MiG-105.11 hiện được lưu trữ tại bảo tàng hàng không ở Monino gần Matxcơva.
Chiếc MiG-105.11 bị "đắp chiếu" dù mới sải cánh thử nghiệm 1 lần. (Ảnh: Sputnik)
M-50
Để đáp trả chương trình của Mỹ phát triển máy bay ném bom siêu âm XB-70 Valkyrie, Cục thiết kế Myasishchev của Liên Xô bắt đầu thiết kế máy bay của lớp này vào năm 1956.
Kết quả, nguyên mẫu với cánh tam giác và thân máy bay có tiết diện tối thiểu xuất hiện. Máy bay được trang bị 4 động cơ, 2 động cơ được đặt dưới cánh và 2 động cơ ở hai đầu. Tầm bay xa tối đa của M-50 theo dự án đạt 14-15 nghìn km, tốc độ lên tới 1.900-2.000 km/h.
Một chiếc M-50. (Ảnh: Sputnik)
Nguyên mẫu M-50 cất cánh vào ngày 27/10/1959. Trong một năm, chiếc máy bay thực hiện 11 chuyến bay thử nghiệm, nhưng tốc độ không vượt quá 1.090 km/h. Các chuyên gia nhận thấy rằng với 4 động cơ này, nó không thể vượt qua rào cản âm thanh. Các động cơ sau đó được thay thế, nhưng vẫn không thể đạt được tốc độ siêu thanh.
Vào năm 1961, dự án M-50 bị chính phủ Liên Xô hủy bỏ vì đặc điểm thiết kế không phù hợp với thực tiễn, và bởi Liên Xô quyết định tập trung vào phát triển tên lửa đạn đạo và chương trình chinh phục không gian. Mỹ cũng hủy bỏ chương trình XB-70 vì lý do tương tự.
Dự án M-50 bị hủy bỏ vì không thực tế. (Ảnh: Pinteres)
Mi-12
Chiếc Mi-12 do Liên Xô phát triển hiện vẫn giữ kỷ lục là mẫu trực thăng lớn nhất và nặng nhất từng được chế tạo. Chiếc trực thăng siêu nặng có sức chứa hơn 30 tấn, có khả năng vận chuyển các bộ phận của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cho Lực lượng tên lửa chiến lược.
Mi-12 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 10/7/1968. Đặc điểm của trực thăng này là kiểu cánh quạt nâng kép đặt hai bên trái-phải được điều khiển bởi bốn động cơ D-25VF. Tổ lái - sáu đến mười người, sức chứa - 196 hành khách. Trọng lượng rỗng của Mi-12 tới 69 tấn. Chiếc trực thăng tăng tốc lên 260 km /giờ và có thể lên độ cao 3.500 m.
Trực thăng vận tải Mi-12. (Ảnh: Sputnik)
Có 2 nguyên mẫu Mi-12 được chế tạo. Chiếc trực thăng này ra mắt công chúng vào năm 1971 tại Paris Air Show Le Bourget và gây ấn tượng mạnh với phái đoàn Mỹ. Tuy nhiên, Mi-12 không được sản xuất hàng loạt.
Vào thời điểm đó, quân đội Liên Xô không có nhu cầu về loại máy bay trực thăng nặng như vậy bởi vì khi đó đã xuất hiện các tên lửa chiến lược nhẹ và hiệu quả trên các bệ phóng di động. Các máy bay trực thăng thuộc lớp nhẹ hơn đáp ứng tất cả các nhu cầu của Lực lượng Vũ trang. Nguyên mẫu đầu tiên được đặt trên tại Nhà máy Trực thăng Matxcơva và chiếc thứ hai được chuyển đến Bảo tàng Không quân ở Monino.
Chiếc Mi-12 cũng là một trong những dự án bị chết yểu. (Ảnh: Britannica)
VVA-14
Vào ngày 4/9/1972, mẫu máy bay thử nghiệm kết hợp các chức năng của thủy phi cơ, máy bay ném bom và máy bay ném ngư lôi cất cánh.
VVA-14 là loại máy bay do kỹ sư Liên Xô gốc Italia Robert Bartini thiết kế. Đây là thủy phi cơ cất cánh thẳng đứng, được cho là có thể cất cánh và hạ cánh trên mặt nước như một máy bay thông thường cũng như một máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng.
Một chiếc VVA-14. (Ảnh: Sputnik)
Theo kế hoạch ban đầu, VVA-14 phải có tên trong tổ hợp không quân chống tàu ngầm, bao gồm một chiếc máy bay, hệ thống để ngắm và phát hiện mục tiêu Burevestnik, vũ khí chống tàu ngầm và hệ thống tiếp nhiên liệu. Tổ hợp này được thiết kế để phát hiện và tiêu diệt các tàu ngầm của đối phương ở khu vực cách xa nơi cất cánh 1.200-1.500 km, cả độc lập cũng như với sự yểm trợ của các phương tiện khác của Hải quân.
Do những khó khăn với động cơ cất cánh thẳng đứng, Liên Xô chỉ chế tạo một nguyên mẫu có thể biến máy bay thành ekranoplan. Thiết bị này được thử nghiệm tại Vịnh Taganrog thuộc biển Azov vào năm 1976. Mặc dù theo bản thiết kế, máy bay phải có khả năng cất cánh thẳng đứng, nhưng Cục Thiết kế Kỹ thuật Rybinsk vẫn không hoàn thành việc phát triển các động cơ nâng RD36-35PR. Nguyên mẫu VVA-14 duy nhất có thể hiện được lưu trữ tại Bảo tàng Không quân ở Monino.
Chiếc VVA-14 có ngoại hình khác dị biệt. (Ảnh: Nekit)
MiG-1.44
Liên Xô bắt đầu thiết kế chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 từ lâu trước khi xuất hiện dự án PAK FA sau này được đặt tên là Su-57. Năm 1983, Cục thiết kế Mikoyan bắt đầu thực hiện "Chương trình mục tiêu toàn diện" phát triển máy bay tiêm kích, động cơ, hệ thống điện tử và vũ khí. Năm 1987, dự án quốc phòng này được phê duyệt. Trong năm 1991, thiết kế phác thảo của máy bay với mã số MFI là máy bay chiến đấu tiền tuyến đa chức năng ra đời.
MiG-1.44. (Ảnh: Sputnik)
Theo dự án, máy bay có thể đạt tốc độ lên tới 3.210 km/h, đạt độ cao 20.000 m, tầm bay xa khoảng 4.000 km. Chiếc máy bay siêu cơ động với kỹ thuật tàng hình, siêu thanh, không cần thêm quy trình đốt sau.
Tuy nhiên, dự án này bị dừng lại vào năm 1991 sau cuộc khủng hoảng. Mặc dù vậy, nguyên mẫu của nó vẫn cất cánh thử nghiệm vào tháng 2/2000. Nhưng chính phủ Nga năm 2002 vẫn quyết định chôn vùi dự án MFI. Nguyên mẫu duy nhất của mẫu MiG-1.44 hiện được lưu trữ trong Viện nghiên cứu hàng không mang tên Gromov ở thành phố Zhukovsky gần Matxcơva.
Theo Song Hy/VTC News
(Nguồn: Sputnik)