Điện Kremlin cảnh báo Mỹ có thể đang ngụy tạo chứng cứ giống như cuộc chiến Iraq trước đây nhằm tìm cách tấn công Iran sau các vụ tấn công tàu chở dầu tại vịnh Oman.
Video: NgacnhboMngytochngctidincucchinIraqviIran-BoDntr.mp4
Tàu chở dầu bốc cháy sau khi bị tấn công trên vịnh Oman
Cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell với ống bột trắng trên tay tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Reuters)
“Chúng tôi không quên những ống bột màu trắng. Chúng tôi vẫn ghi nhớ điều đó và học được cách kiềm chế trong những đánh giá của mình”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong chương trình được phát sóng trên kênh Rossiya 1 hôm 16/6.
Phát biểu của ông Peskov đề cập tới một sự kiện nổi tiếng từng xảy ra tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chỉ vài tháng trước khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ở Iraq hồi năm 2003.
Vào thời điểm đó, khi biện minh cho tính hợp pháp của việc Mỹ đưa quân vào Iraq, cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã công bố một lọ chứa bột màu trắng nhằm chứng minh cho sự nguy hiểm của căn bệnh than mà Mỹ cáo buộc chính quyền cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein đang lưu trữ với số lượng lớn.
Cáo buộc Iraq cất giấu chất gây bệnh than và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác sau đó được chứng minh là không chính xác. Tuy nhiên, sự thật này chỉ được phơi bày sau khi Mỹ tiến hành cuộc tấn công tại Iraq và lật đổ chính quyền tại quốc gia Trung Đông.
Người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng câu chuyện từng xảy ra với Iraq chính là lời cảnh báo trước với Iran về khả năng Washington ngụy tạo chứng cứ và phát động một cuộc chiến trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở vịnh Ba Tư.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là một trong những quan chức cấp cao đầu tiên trong chính quyền Tổng thống Donald Trump cáo buộc Iran gây ra vụ tấn công nhằm vào 2 tàu chở dầu tại vịnh Oman hồi tuần trước. Hải quân Mỹ sau đó công bố đoạn video ghi lại cảnh thủy thủ trên tàu tuần tra Iran tháo gỡ thủy lôi trên thân tàu bị tấn công. Trong khi đó, Iran vẫn bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào nước này.
Một số đồng minh của Mỹ, gồm Anh và Ả rập Xê út, cũng đồng tình với cáo buộc của Washington.
“Chúng tôi đã đánh giá thông tin tình báo và chúng tôi muốn nói là “gần như chắc chắn” (Iran đã thực hiện các vụ tấn công)… Chúng tôi không tin có ai đó khác (ngoài Iran) gây ra vụ này”, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nói với BBC hôm qua.
Thái tử Ả rập Xê út Mohammed bin Salman quy trách nhiệm thẳng thừng cho Iran, tuyên bố bằng việc “tấn công các tàu chở dầu, Iran đã nhắm mục tiêu tới an ninh và sự ổn định trong khu vực”.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định chưa có bằng chứng rõ ràng để đổ lỗi cho bất kỳ ai trong vụ tấn công, do vậy Nga “kêu gọi các bên tỉnh táo đánh giá tình hình, chờ đợi bằng chứng thuyết phục”. Ông Peskov cảnh báo việc đưa ra kết luận và quyết định vội vàng có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.
“Việc vội vàng sử dụng dữ liệu mật trong trường hợp này rất vô lý. Những vụ việc như vậy có thể làm chao đảo nền tảng kinh tế thế giới, do vậy không nên đưa ra những cáo buộc vô căn cứ”, ông Pesko nói.
Mỹ có thể đưa thêm quân tới Trung Đông
Tàu dầu bốc cháy sau khi bị tấn công tại vịnh Oman. (Ảnh: Reuters)
Giới chức an ninh của chính quyền Trump được cho là sẽ thảo luận về kế hoạch đưa thêm quân tới Trung Đông sau các diễn biến căng thẳng tại vịnh Oman. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cũng để ngỏ khả năng này, đề cập tới một loạt vụ tấn công nhằm vào các tàu chở dầu Nhật Bản, Na Uy, Ả rập Xê út gần đây trong khu vực.
“Khi bạn nhìn vào tình hình, một tàu Na Uy, một tàu Nhật Bản, Ả rập Xê út, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, 15% sản lượng dầu toàn thế giới được vận chuyển qua eo biển Hormuz, nên chúng ta rõ ràng phải lên kế hoạch đề phòng tình hình xấu đi”, ông Shanhan nói.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua tuyên bố nước này đang xem xét hàng loạt phương án đối phó với Iran, bao gồm cả các biện pháp quân sự. Tuy vậy, ông Pompeo vẫn khẳng định Tổng thống Trump không muốn chiến tranh với Iran.
Theo Thành Đạt/Dân trí