Quá tốn công sức để mua nhà và sinh sống, nhiều người Hàn Quốc chọn cách nuôi thú cưng làm bầu bạn thay vì sinh con, và thậm chí ít nghĩ tới chuyện kết hôn.
Một người đàn ông Hàn Quốc ôm hài cốt của thú cưng gần ngôi nhà ở thành phố Namyangju, tỉnh Geonggi, Hàn Quốc - Ảnh: REUTERS
Tình trạng này được hãng tin Reuters nêu trong bài viết ngày 24-1. Nhân vật điển hình trong câu chuyện này là Kang Sung Il, người sẵn sàng móc ví 50 USD (hơn 1 triệu đồng) để sắm sửa cho chú chó Sancho làm đẹp trong dịp Tết này để về thăm "bà nội" là mẹ của ông.
Ông Kang và vợ mình cho rằng việc có con cái là quá đắt đỏ và đem đến quá nhiều áp lực. Vì vậy đôi vợ chồng này chọn cách nuôi Sancho, một con chó giống Pomeranian (chó phốc sóc).
Chia sẻ với Reuters, Kang nói: "Áp lực xã hội ở Hàn Quốc là cha mẹ phải cung cấp chi phí hàng thập kỷ cho con cái, từ trường học, học thêm cho tới các lớp dạy nghệ thuật".
Bản thân Kang cũng là chủ một dịch vụ tang lễ dành cho thú cưng ở Hàn Quốc. Người đàn ông 39 tuổi này không đơn độc trong lựa chọn của mình, vì ngành công nghiệp thú cưng đang bùng nổ.
Ngược lại, Hàn Quốc hiện có tỉ lệ sinh 1,05 trẻ em/phụ nữ - mức thấp nhất thế giới. Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ chi phí giáo dục và nhà ở quá cao, cũng như áp lực làm tăng ca cực lớn.
Tính trung bình, một hộ gia đình Hàn Quốc phải mất 12,8 năm thu nhập để mua một căn nhà hạng trung. Công sức bỏ ra cho việc mua nhà rõ ràng nhiều hơn so với khoảng 8,8 năm của năm 2014, theo dữ liệu của KB Kookmin Bank.
Tính trong khối các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc là nơi người lao động có thời gian làm việc nhiều thứ ba, chỉ sau Mexico và Costa Rica.
Những người như ông Kang không thích cảnh phải chịu đựng toàn bộ áp lực cuộc sống như thế, đặc biệt khi nuôi con, nhưng sẵn sàng bỏ 90 USD/tháng - tức hơn 2 triệu đồng, cho… Sancho.
Đánh giá về điều này, giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Samjong KPMG, Kim Soo Kyung, cho rằng số lượng thú cưng ở Hàn tăng lên khi ngày càng nhiều người chấp nhận việc không có con, thậm chí không thèm kết hôn.
Trên thực tế, số hộ gia đình Hàn Quốc có thú cưng đã chiếm 28% trên tổng số gia đình nơi đây năm 2018. Để so sánh, chỉ 18% hộ có thú cưng trong năm 2012.
Chính điều đó đã khiến ngành công nghiệp chăm sóc thú cưng phát triển mạnh mẽ với các dịch vụ như tư vấn chế độ ăn cho thú cưng và chụp ảnh giá cao. Các công ty khởi nghiệp liên quan đến thú cưng cũng đang thịnh hành.
Đến nay, các ngành công nghiệp liên quan tới thú cưng ở Hàn Quốc đang có quy mô tới 2,4 tỉ USD tính trong năm 2018, và theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc, con số này có thể tăng lên gấp đôi tới năm 2027.
Theo Nhật Đăng/ Tuổi Trẻ