Lãnh đạo hai nước cho biết hiệp ước hữu nghị nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ quốc phòng và bảo vệ châu Âu trước tình hình mới.
Tổng thống Macron và Thủ tướng Merkel trong lễ ký hiệp ước hữu nghị mới tại thành phố Aachen, phía tây nước Đức hôm 22/1. Ảnh: AFP.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua ký một hiệp ước hữu nghị mới tại thành phố Aachen, Đức, trong đó cam kết sát cánh cùng nhau nếu một trong hai nước bị tấn công, thiết lập một hội đồng quốc phòng và an ninh chung, đồng thời tìm cách dung hòa các quy định mua sắm thiết bị quân sự, theo AFP.
Bà Merkel cho biết mối quan hệ chặt chẽ hơn về quốc phòng giữa hai nước là tiền đề cho việc xây dựng "văn hóa quân sự chung" và "góp phần tạo ra lực lượng quân đội châu Âu". Cả Merkel và Macron đều ủng hộ ý tưởng thành lập quân đội chung cho châu Âu và hoạt động trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
"Các thế lực độc tài đang xuất hiện khắp nơi. Chúng ta hãy xây dựng lực lượng quân đội châu Âu thực sự để bảo vệ chính mình và đưa ra chính sách đối ngoại thực sự", Macron phát biểu sau lễ ký kết.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng kịch liệt phản đối ý tưởng này và cho rằng nó "rất xúc phạm". Ông cũng đề nghị các thành viên NATO, đặc biệt là Đức, phải chi trả nhiều hơn cho nhiệm vụ phòng thủ chung "mà hiện Mỹ phải bao cấp rất nhiều".
Hiệp định mới giữa Pháp và Đức được coi là sự tiếp nối Hiệp ước Elysee ký năm 1963 giữa Tướng Charles de Gaulle và cố thủ tướng Tây Đức Konrad Adenauer nhằm thiết lập nền tảng mới trong quan hệ hai nước, chấm dứt hàng thế kỷ đối đầu.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh hiệp ước mới này, cho biết nội dung của nó "nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế đa phương như NATO, EU và Liên Hợp Quốc". "Sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Pháp và Đức trong NATO sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho an ninh châu Âu và xuyên Đại Tây Dương", ông nói thêm.
Theo Ánh Ngọc/ Vnexpress