Hãy tái chế và tái sử dụng số nguyên vật liệu được dùng hằng năm trên khắp thế giới nếu muốn kiểm soát tình trạng biến đổi khí hậu! Đó là thông điệp then chốt trong báo cáo được tổ chức phi lợi nhuận Circle Economy (trụ sở ở Hà Lan) công bố hôm 22-1.
Theo báo cáo, thế giới chỉ mới tái sử dụng khoảng 10% trong số gần 93 tỉ tấn nguyên liệu (khoáng vật, kim loại, nhiên liệu hóa thạch…) được dùng hằng năm.
Giám đốc điều hành Circle Economy, ông Harald Friedl, cho biết việc sử dụng hiệu quả hơn các tài nguyên này có thể giúp ích cho mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Báo cáo nhấn mạnh 62% lượng khí phát thải hiện được tạo ra trong quá trình chế biến và sản xuất hàng hóa.
Thế giới cần tăng cường tái chế và tái sử dụng nguyên vật liệu nếu muốn có thể kiểm soát được tình trạng biến đổi khí hậu Ảnh: EPA-EFE
Để đối phó biến đổi khí hậu, chính sách của các chính phủ cho đến giờ mới tập trung vào sử dụng năng lượng thay thế, cải thiện hiệu quả năng lượng và ngăn chặn phá rừng. Tuy nhiên, ông Friedl cho rằng như thế là chưa đủ.
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, tổng số nguyên vật liệu sử dụng trên khắp thế giới đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1970. Con số này có thể gấp đôi vào năm 2050 nếu nhân loại không hành động. Để giảm thiểu rác thải và khí thải, theo ông Friedl, các nền kinh tế cần nỗ lực tái sử dụng nguyên vật liệu và điều này đòi hỏi 3 chiến lược sâu rộng.
Trước hết, phải tối đa hóa việc sử dụng các sản phẩm như thông qua xu hướng đi xe chung hoặc sử dụng xe lâu hơn. Tiếp theo là tái chế vật liệu và giảm tình trạng lãng phí như sử dụng vật liệu tự nhiên, thải ít carbon trong xây dựng (tre, gỗ…) thay vì xi-măng. Cuối cùng, các chính phủ cần thực thi chính sách thuế và chi tiêu theo hướng khuyến khích tái chế và tái sử dụng nguyên vật liệu, tăng thuế đánh vào khí thải và hoạt động tạo ra quá nhiều chất thải.
Theo Lục San/ NLĐ