Theo báo cáo mới của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc đang tài trợ cho hơn 1/4 công suất nhiệt điện than ở 27 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Một nhà máy nhiệt điện than ở bang West Virginia, Mỹ - Ảnh: AFP
Báo cáo "Trung Quốc ở ngã tư đường: Liên tục hỗ trợ cho điện than làm suy yếu vai trò đi đầu về năng lượng sạch của Trung Quốc" cho thấy các tổ chức tài chính Trung Quốc đã cam kết hoặc có ý định đầu tư cho hơn một phần tư (102GW) trong 399GW công suất nhiệt điện than hiện ở 27 quốc gia, tính đến tháng 7-2018.
Tổng số tiền tài trợ (bao gồm đã tài trợ và dự kiến tài trợ) lên đến 35,9 tỉ USD.
Các khoản tài trợ của Trung Quốc được rót vào các lĩnh vực: khai thác các mỏ than xuất khẩu, xây dựng nhà máy nhiệt điện than và cơ sở hạ tầng liên quan như đường sắt và cảng.
Đứng đầu danh sách các nước nhận tài trợ điện than từ Trung Quốc là Bangladesh với tổng trị giá hơn 7 tỉ USD. Ngoài ra còn có Việt Nam, Nam Phi, Pakistan, Indonesia....
Đồng tác giả báo cáo, bà Melissa Brown, chuyên gia tư vấn tài chính năng lượng của IEEFA, cảnh báo: "Mô hình dự báo thận trọng nhất của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cũng cho thấy có lý do chính đáng để tin rằng các giao dịch về than đá trên toàn cầu sau năm 2018 sẽ giảm sút. Nhiệt điện than sẽ khiến các nước nhập khẩu lúng túng khi giá than bất ổn".
Một bài báo trên Bloomberg cuối năm 2018 cho biết gần nửa số nhà máy nhiệt điện trên toàn cầu đang vận hành chỉ ở mức huề vốn do giá than đã tăng nhiều trong 3 năm qua.
Theo thống kê của tổ chức Carbon Tracker, 42% số nhà máy đang bị thua lỗ và đến năm 2030, tỉ lệ này là 56%. Ngoài ra, chi phí đối với phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính sẽ gấp đôi ở châu Âu, tăng ở Trung Quốc. Những yếu tố này làm cho chi phí vận hành nhà máy nhiệt điện sẽ cao hơn tiền bán điện.
Nhiều nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu trong lĩnh vực tư nhân, bao gồm hầu hết các ngân hàng phát triển đa phương, đã xem nhiệt điện than là một khoản đầu tư có rủi ro cao.
Ngân hàng Thế giới, Standard Chartered của Anh, Generali của Ý, và Nippon Life của Nhật Bản đều từ chối không cho vay vốn mới với các dự án nhiệt điện than.
Báo cáo cũng đề cập đến khía cạnh phần lớn tài trợ cho nhiệt điện than bên ngoài Trung Quốc là cho các công ty Trung Quốc với lao động người Trung Quốc thực hiện ở nước ngoài.
Trong khi đó, tiềm năng của năng lượng tái tạo đang ngày càng lớn và do đó sẽ càng phổ biến hơn nhờ tiến bộ về công nghệ. Giá thành điện tái tạo đã giảm nhiều và còn có thể giảm thêm.
Theo báo cáo hằng năm của Lazard về chi phí năng lượng, hiện giá sản xuất 1 MWh từ năng lượng mặt trời là 50 USD trong khi giá sản xuất lượng điện này bằng than đá là 120 USD.
Theo Hồng Vân/ Tuổi Trẻ