Nếu tiếp quản được xưởng Hanjin, Trung Quốc sẽ có thêm công cụ để mở rộng ảnh hưởng, cả về kinh tế lẫn quân sự, ở Đông Nam Á.
Nhà máy đóng tàu Hanjin nằm trên vịnh Subic, Philippines. Ảnh: AFP.
Hai công ty Trung Quốc, trong đó có một tập đoàn nhà nước, đang liên hệ với chính phủ Philippines để thảo luận vấn đề tiếp quản nhà máy đóng tàu Hanjin lớn nhất nước này tại vịnh Subic, nơi từng đặt căn cứ hải quân lớn của Mỹ.
Nhà máy từng do Hanjin Philippines, chi nhánh của tập đoàn Hanjin Hàn Quốc, vận hành, có diện tích khoảng 303 hecta, chuyên đóng tàu biển cỡ lớn như tàu chở dầu và tàu container. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp đóng tàu khiến Hanjin Philippines tuyên bố phá sản với khoản nợ 412 triệu USD, lao động bị cắt giảm từ 30.000 người xuống còn 3.800 người.
Khả năng Trung Quốc hiện diện thường trực tại khu vực Mỹ từng đặt căn cứ quân sự lớn nhất Thái Bình Dương đang khiến một số chuyên gia lo ngại, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực, cả về kinh tế lẫn quân sự, theo New York Times.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết ông đã nêu vấn đề trên với Tổng thống Rodrigo Duterte trong một cuộc họp ngày 16/1. Ông Duterte đang có xu hướng xích lại gần hơn với Trung Quốc, điều khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ, những người lâu nay vẫn coi Manila là nút chặn chiến lược ngăn Bắc Kinh bành trướng thế lực, không khỏi lo âu. Cuộc họp còn có sự tham gia của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cùng nhiều nhà quản lý kinh tế.
"Hải quân Philippines gợi ý tại sao chính phủ không tiếp quản để chúng ta có một căn cứ quân sự ở đó", Lorenzana hôm qua nói, nhắc tới cuộc họp với Tổng thống Duterte. "Chúng ta lại có thêm cả năng lực đóng tàu nữa". Bộ trưởng Lorenzana thêm rằng ngoài Trung Quốc, các công ty Mỹ, Australia, Nhật Bản cũng hứng thú với nhà máy đóng tàu Hanjin.
Vịnh Subic, cách Manila khoảng 80 km về phía tây bắc, từng là một trong những căn cứ hải quân quan trọng của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và hướng ra Biển Đông.
Giới phân tích lo sợ rằng nếu công ty Trung Quốc chiếm được quyền kiểm soát nhà máy đóng tàu của Philippines, nó có thể trở thành công cụ để Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng và thúc đẩy những nỗ lực gián điệp, điều từng xảy ra ở hàng loạt nước khác.
"Nhà máy đóng tàu không phải căn cứ hải quân, nhưng Mỹ và Philippines quan ngại việc Trung Quốc có thể dùng nơi này để thu thập thông tin tình báo quanh cảng vịnh Subic, nơi chiến hạm Mỹ thường xuyên ghé qua", Greg Poling, giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận xét.
"Hãy lưu ý rằng nhà máy đóng tàu Hanjin không phải vấn đề kinh doanh, tài chính hay kinh tế thuần túy, đây là vấn đề an ninh quốc gia", cựu phó đô đốc hải quân Philippines Alexander Pama cảnh báo. "Bên nào sở hữu nhà máy đóng tàu Hanjin trong vịnh Subic sẽ được tiếp cận không giới hạn tài sản địa lý chiến lược quan trọng nhất về hàng hải và hải quân".
Pama cho rằng dù Hanjin là nhà máy đóng tàu thương mại, không gì có thể ngăn chủ sở hữu biến nó thành căn cứ hải quân và cơ sở hàng hải cho các mục đích an ninh khác.
Thượng nghị sĩ đối lập Antonio Trillanes IV hôm qua cũng cảnh báo việc để Trung Quốc tiếp quản nhà máy Hanjin sẽ ảnh hưởng lớn tới an ninh quốc gia Philippines.
"Chúng ta chắc chắn phải theo dõi sát sao tình hình. Nếu khu đất này rơi vào tay các công ty Trung Quốc, vấn đề sẽ nảy sinh, Trung Quốc sẽ có bàn đạp tuyệt vời để mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á", Trillanes nói. "Đây là một địa điểm phòng thủ chiến lược, có một cảng tàu ngầm cùng một khu phức hợp khổng lồ ở đó".
Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio T. Carpio, tiếng nói chỉ trích lập trường thân Trung Quốc của Tổng thống Duterte, là một trong những người công khai đưa ra những cảnh báo về sự hiện diện của Trung Quốc ở vịnh Subic.
"Tại sao chúng ta lại để Trung Quốc có chỗ đứng ở Subic. Điều này hoàn toàn vô lý", ông nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Lorenzana, nhà máy đóng tàu Hajin có thể được dùng để giúp Philippines xây dựng lực lượng hải quân. Trong thập kỷ tới, hải quân Philippines muốn mua thêm 20 tàu mới. Cảnh sát biển và Cục nghề cá lại đang phải hoãn các đơn hàng mua tàu. Ông đề xuất chính phủ có thể kiểm soát hoàn toàn nhà máy hoặc cho bên ngoài thuê nhưng vẫn nắm cổ phần thiểu số.
Vị trí vịnh Subic. Ảnh: Globalbalita.