Ngày 17/1, người đứng đầu Cục Xuất nhập cảnh Thái Lan Surachate Hakparn bày tỏ cam kết sẽ không ép buộc những người tị nạn trở về nước sau vụ Rahaf Mohammed al-Qunun, 18 tuổi, người Saudi Arabia, xin tị nạn khiến dư luận thế giới đổ dồn sự chú ý vào Thái Lan, vốn là nước không tiếp nhận các trường hợp như vậy.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: The Nation)
Phát biểu tại Câu lạc bộ các phóng viên nước ngoài, ông Surachate cho biết sẽ thực hiện phương pháp tiếp cận mới, và dưới sự giám sát của ông, sẽ "không có ai bị đưa trở lại đất nước mà họ không muốn quay lại.” Liên quan trường hợp cô Rahaf, ông Surachate lưu ý kinh nghiệm xử lý vụ việc này sẽ không được coi là mô hình cho những trường hợp sau này tại Thái Lan, thay vào đó nhà chức trách sẽ cân nhắc từng trường hợp.
Cô Rahaf đã rời khỏi Saudi Arabia để xin tị nạn tại nước khác sau khi trốn khỏi gia đình do bị ngược đãi. Cô đã đáp chuyến bay tới Thái Lan xin tị nạn hôm 5/1 vừa qua và tỏ ra "lo sợ nguy hiểm tính mạng" nếu quay trở lại Saudi Arabia. Rahaf đã thu hút sự chú ý của dư luận khi cầu cứu qua mạng xã hội khi đến Bangkok, nói rằng cô thấy "thực sự gặp nguy hiểm" nếu bị buộc phải quay về Saudi Arabia. Cô đã được tạm thời nhập cảnh Thái Lan với sự bảo hộ của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR). Cơ quan này đã đề nghị Canada chấp nhận cho al-Qunun tị nạn và nước này đã đồng ý.
Thái Lan là nước không ký kết Công ước của Liên hợp quốc về người tị nạn. Việc xử lý nhanh chóng trường hợp của Rahaf là điều chưa từng xảy ra tại Thái Lan. Ông Surachate là người giám sát gần như toàn bộ quá trình này./.
Theo TTXVN