Một quan chức cấp cao Nhật Bản đã cáo buộc Trung Quốc liên tục tấn công mạng nước này, đồng thời kêu gọi Mỹ tăng cường hợp tác nhằm đối phó với động thái của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya (bên phải) và Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)
SCMP đưa tin, trong chuyến công du Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya ngày 17/1 cho biết, Tokyo đang bị Trung Quốc liên tục tấn công mạng. Ông Iwaya cũng kêu gọi sự hỗ trợ của Mỹ trong việc tăng cường năng lực tác chiến không gian mạng nhằm đối phó với các động thái của Bắc Kinh.
Ông Iwaya cho biết Nhật Bản đang hướng tới mục tiêu tăng cường lực lượng tác chiến không gian mạng lên 2.000 người.
“Chúng tôi cần phải tăng cường năng lực lực lượng tác chiến mạng. Chúng tôi trông đợi sự hợp tác và hỗ trợ từ phía Mỹ”, ông Iwaya phát biểu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (Mỹ).
Theo SCMP, chuyến công du của Bộ trưởng Nhật Bản dự kiến kéo dài trong 5 ngày. Ông Iwaya cũng đã gặp gỡ quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan vào ngày 17/1.
Từ tháng 12 năm ngoái, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Takeshi Osuga cho biết họ liên tục bị một nhóm được đặt tên là APT10 tấn công mạng.
APT10 là tên được đặt cho một nhóm các tin tặc Trung Quốc bị công ty an ninh mạng Mỹ FireEye phát hiện. Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc APT10 hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS) nhằm thực hiện các hoạt động gián điệp trên khắp thế giới trong hơn 10 năm qua.
Tokyo đã nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh hành động "có trách nhiệm" nhằm chống lại các vụ tấn công mạng. “Toàn bộ các nước thành viên G20, bao gồm Trung Quốc, đã nhấn mạnh cam kết cấm các hoạt động đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông. Họ cũng được yêu cầu phải hành xử có trách nhiệm với tư cách thành viên của cộng đồng quốc tế”, ông Osuga phát biểu ngày 21/12/2018.
Kyodo News ngày 10/1 dẫn một nguồn ẩn danh cho biết, APT10 bị nghi có liên quan tới vụ tấn công mạng nhằm vào Hiệp hội Kinh doanh Nhật Bản vào tháng 11/2016.
Sau khi hiệp hội này thông báo rằng dữ liệu nội bộ của họ bị rò rỉ từ một máy tính cá nhân, họ đã điều tra ra một loại virus và các máy chủ có định dạng kỹ thuật tương tự như các vụ việc nghi có APT10 tham gia trước đó, theo Kyodo.
Theo Đức Hoàng/ Dân Trí