Báo cáo quốc phòng hai năm một lần của Hàn Quốc công bố hôm 15-1 đã không coi Triều Tiên là 'kẻ thù' nữa.
Lính Triều Tiên trong một cuộc diễu binh tại quảng trường Kim Nhật Thành, thủ đô Bình Nhưỡng tháng 9-2018 - Ảnh: AFP
Năm 2010, người Hàn Quốc nổi giận khi 50 lính Hàn thiệt mạng trong một vụ tấn công được cho là do Triều Tiên thực hiện. Từ đó đến nay, các tài liệu quốc phòng của Hàn Quốc đều xem Triều Tiên là kẻ thù.
Động thái trên từng là một trong những tác nhân khiến mối thâm thù giữa hai miền Triều Tiên thêm sâu sắc. Bình Nhưỡng cho rằng việc bị Hàn Quốc dán mác "kẻ thù" là biểu hiện khiêu khích, hiếu chiến từ Seoul.
Nhưng trong tài liệu công bố hôm 15-1, các cụm từ như "kẻ thù", "kẻ thù hiện nay" hay "kẻ thù chính" đều đã được loại bỏ. Đây có thể là một điểm sáng nữa trong việc nối lại quan hệ hai nước, dù quân đội Hàn Quốc vẫn cho rằng vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên là mối đe dọa cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Lần đầu tiên Hàn Quốc gọi Triều Tiên là "kẻ thù chính" là năm 1995, một năm sau khi Triều Tiên dọa sẽ biến Seoul thành "biển lửa".
Trong giai đoạn những năm 2000, khi quan hệ hai nước giảm căng thẳng, Hàn Quốc đã điều chỉnh bằng cách tránh gọi Triều Tiên là kẻ thù. Mọi thứ đã ổn cho tới khi xảy ra sự kiện năm 2010 nêu trên.
Việc chỉnh sửa câu chữ này cũng phù hợp với chính sách hòa nhã với Triều Tiênmà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đang thể hiện.
Từ lúc nắm quyền, ông Moon đã bày tỏ những cử chỉ thân thiện với Bình Nhưỡng, trong đó đáng chú ý là cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un năm ngoái. Thậm chí, thái độ nhiệt tình của Hàn Quốc còn được cho đã ít nhiều khiến đồng minh Mỹ lúng túng, vì Washington chưa thể bắt kịp tiến độ hòa giải ấy.
Trang quân sự Military Times cho hay ông Moon cũng sẽ đối mặt sự chỉ trích từ giới bảo thủ trong nước. Họ cho rằng thái độ quá gần gũi Triều Tiên của ông Moon đang tổn hại tình trạng an ninh quốc gia của Hàn Quốc.
Theo Nhật Đăng/ Tuổi Trẻ