Thủ tướng Shizo Abe khẳng định Nhật Bản cần người nhập cư để bù đắp tình trạng thiếu hụt lao động trong nước, do tỉ lệ sinh giảm và dân số già hóa
Dù vậy, theo thăm dò của báo Mainichi hồi tháng trước, có đến 55% số người được hỏi phản đối đạo luật mới mở cửa cho lao động nhập cư. Họ cho rằng chính phủ quá chiều theo đòi hỏi của giới vận động hành lang cho doanh nghiệp và một khi kinh tế gặp trục trặc, sự hiện diện của hàng vạn lao động nhập cư sẽ khiến người Nhật không còn đủ việc làm.
Theo đạo luật mới có hiệu lực vào tháng 4 tới, Nhật Bản sẽ tiếp nhận tối đa 345.150 lao động nhập cư trong vòng 5 năm. Hiện tỉ lệ thất nghiệp tại Nhật đang ở mức thấp nhất trong 25 năm qua, còn số việc làm đang cần người lại chạm mốc cao nhất trong hơn 44 năm, tức có tới 160 việc cần người nhưng chỉ có 100 người cần việc.
Đạo luật về mở rộng cửa cho lao động nhập cư được thông qua tại quốc hội Nhật Bản dù vấp phải phản đối Ảnh: AP
Luật mới dĩ nhiên có thể lấp đầy khoảng cách giữa cung và cầu này. Nhưng nhiều người tỏ ra lo ngại khi nhìn lại kết quả lẫn lộn tốt xấu của chương trình tuyển dụng lao động nhập cư trước đó.
Khởi động từ năm 1993, chương trình thực tập sinh kỹ thuật ban đầu được mô tả là giúp người lao động đến từ các nước đang phát triển trau dồi kỹ năng để họ có thể sử dụng sau khi rời Nhật Bản. Thế nhưng, chương trình có nhiều lỗ hổng cho các công ty lợi dụng, từ trả lương quá thấp so với lương tối thiểu, bắt công nhân làm quá giờ không lương trong khi điều kiện ăn ở và làm việc dưới tiêu chuẩn.
Để xoa dịu dư luận và khắc phục hạn chế của chương trình trước, chính phủ Nhật đề ra một loạt sáng kiến mới giúp người nhập cư hòa nhập dễ dàng hơn vào xã hội nước này, bao gồm lập trung tâm tư vấn ở tất cả 47 tỉnh, hỗ trợ lập tài khoản ngân hàng, hợp đồng điện thoại di động và bảo đảm nhà cửa.
Ngoài ra, công ty thuê lao động phải chứng minh không có liên hệ với các băng nhóm tội phạm, chưa từng ép công nhân nghỉ việc và phải cam kết trả lương đồng đều cho lao động nhập cư và lao động trong nước làm cùng một công việc.
Thế nhưng, một số nghiệp đoàn lo ngại sai sót cũ lặp lại trong khi các công ty môi giới sẽ trục lợi nếu việc thuê mướn nhân công nước ngoài được giao hoàn toàn cho lĩnh vực tư nhân. Thời hạn 5 năm mà lao động nhập cư được ở lại Nhật cũng có vấn đề, theo các nghiệp đoàn, bởi họ có thể bị buộc trở về nước hàng loạt nếu chẳng may kinh tế Nhật đột ngột suy thoái.
Theo NLĐ