24
/
69005
Thống nhất Đài Loan bằng vũ lực: Kịch bản vô cùng rủi ro với Trung Quốc
thong-nhat-dai-loan-bang-vu-luc-kich-ban-vo-cung-rui-ro-voi-trung-quoc
news

Thống nhất Đài Loan bằng vũ lực: Kịch bản vô cùng rủi ro với Trung Quốc

Thứ 3, 08/01/2019 | 15:17:40
704 lượt xem

Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực trong việc thống nhất Đài Loan, song đây được xem là mục tiêu khó khăn với Bắc Kinh vì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa) dự sự kiện kỷ niệm 40 năm công bố "Thư gửi Đài Loan" tại Bắc Kinh hôm 2/1. (Ảnh: Reuters)

Trong tuần đầu tiên của năm 2019, khi Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông quốc tế với sự kiện một tàu vũ trụ của nước này hạ cánh xuống vùng tối của Mặt Trăng, một bài xã luận nhân dịp năm mới đăng trên tờ báo quân sự chính thức của Trung Quốc đã nói với độc giả rằng “việc chuẩn bị cho chiến tranh” nên là ưu tiên hàng đầu trong năm 2019.

Một ngày sau đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra tuyên bố cứng rắn về một trong những vấn đề mà Bắc Kinh xem là trọng điểm cho nguy cơ xảy ra xung đột: Đài Loan.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu vẫn xem Đài Loan là một tỉnh không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc. Trong bài phát biểu quan trọng hôm 2/1, Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo “vấn đề” Đài Loan không thể để lại cho thế hệ sau. Mặc dù chủ yếu đề cập tới “sự thống nhất hòa bình” với Đài Loan, song ông Tập tuyên bố Bắc Kinh vẫn bảo lưu quyền sử dụng vũ lực khi cần thiết.

“Chúng tôi không hứa sẽ từ bỏ việc sử dụng vũ lực và vẫn duy trì phương án sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn Đài Loan độc lập”, ông Tập Cận Bình tuyên bố.

Phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc ngay lập tức vấp phải sự phản kháng từ phía Đài Loan, trong đó có nhà lãnh đạo Thái Anh Văn. Chính quyền và nhiều người dân Đài Loan cho đến nay vẫn phản đối mạnh mẽ việc thống nhất với Trung Quốc đại lục, ngay cả với mô hình “một quốc gia, hai chế độ” như đang áp dụng với Hong Kong.

Theo Reuters, mặc dù không có chi tiết nào trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc sắp sử dụng vũ lực với Đài Loan, song nếu Bắc Kinh thực sự muốn giành lại quyền kiểm soát hòn đảo này, xung đột quân sự có lẽ là biện pháp duy nhất.

Việc sử dụng vũ lực quân sự với Đài Loan sẽ là bước đi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro với chính quyền Trung Quốc. Kịch bản này có thể đặt Bắc Kinh vào thế đối đầu với Mỹ. Mặc dù không tuyên bố ủng hộ Đài Loan độc lập, song Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn mô tả mối quan hệ không chính thức với hòn đảo này là “mạnh mẽ”.

Theo hầu hết giới phân tích quân sự, để thành công trong việc thống nhất Đài Loan, Bắc Kinh phải ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ hoặc đánh bại các lực lượng quân sự của Washington xung quanh hòn đảo này, đồng thời phải ngăn cản các lực lượng khác tiến vào khu vực. Reuters nhận định Trung Quốc đại lục vẫn chưa đủ mạnh để làm được điều này, song sự nâng cao về năng lực quân sự có thể vẫn cho phép Bắc Kinh giành được phần thắng. Chắc chắn, những toan tính của quân đội Trung Quốc sẽ ngày càng tập trung vào kịch bản xung đột quân sự, trong đó Bắc Kinh vừa muốn thống nhất lãnh thổ vừa đẩy lùi các lực lượng của Mỹ trong khu vực.

Phần lớn hoạt động tăng cường năng lực quân sự của Trung Quốc đều xoay quanh việc trang bị các tàu, máy bay và hệ thống vũ khí được cho là phù hợp với kiểu xung đột như kịch bản thống nhất Đài Loan. Bên cạnh các tàu đổ bộ để chở binh sĩ tấn công, Trung Quốc cũng tập trung phát triển các tên lửa có khả năng phá hủy các tàu sân bay Mỹ hoặc khiến Washington phải tránh xa vùng xung đột. Những vũ khí này hoạt động hiệu quả đến đâu cho đến nay vẫn là câu hỏi để ngỏ, tuy nhiên đây được xem là trọng tâm cho bất kỳ cuộc xung đột nào của Trung Quốc.

Bài toán khó với Bắc Kinh

 Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn thị sát cuộc tập trận quân sự năm 2017. (Ảnh: AFP)

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn thị sát cuộc tập trận quân sự năm 2017. (Ảnh: AFP)

Giới phân tích nhận định kế hoạch thống nhất Đài Loan là sự tính toán về địa chính trị của chính quyền Trung Quốc. Suốt hơn 50 năm qua, mặc dù không thể cản trở Đài Loan phát triển như một vùng lãnh thổ độc lập, song Bắc Kinh vẫn tìm cách ngăn Đài Bắc đưa ra tuyên bố độc lập chính thức. Xét trên phạm vi nào đó, các động thái của Bắc Kinh, như sự cứng rắn ngày càng tăng về quân sự thông qua việc đưa tàu chiến và máy bay tới gần Đài Loan, là nhằm nhắc nhở những người cầm quyền tại Đài Bắc rằng bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào giành độc lập trên hòn đảo này cũng sẽ dẫn tới chiến tranh.

Hơn nữa, Trung Quốc đang muốn khẳng định vị thế của nước này như một cường quốc toàn cầu. Do vậy Bắc Kinh muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng nước này đủ mạnh để thống nhất Đài Loan bất kể khi nào họ muốn.

Việc thống nhất Đài Loan bằng quân sự không phải là bài toán dễ với Bắc Kinh. Các lực lượng quân sự Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hệ thống tên lửa, mìn, tàu ngầm và các cuộc không kích phức tạp của Đài Loan nếu tìm cách vượt qua eo biển dài 180 km. Các thành phố với dân cư đông đúc và những ngọn núi với rừng phủ kín sẽ là điều kiện lý tưởng cho chiến tranh du kích.

Ngoài ra, một cuộc tấn công nhằm vào Đài Loan, với số người thiệt mạng có thể lên tới con số hàng nghìn, sẽ khiến Bắc Kinh vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế và gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ tại Trung Quốc.

Về phần mình, Đài Loan rõ ràng cũng tìm cách để “nắn gân” Trung Quốc rằng hòn đảo này không phải là một mục tiêu dễ bị tấn công. Đài Bắc có kế hoạch chi 11 tỷ USD cho hoạt động phòng vệ trong năm nay, tăng 6% so với năm 2018. Phần lớn số tiền này sẽ được chi cho các vũ khí tối tân của Mỹ cũng như các vũ khí do Đài Loan tự sản xuất. Ngày 2/1, Đài Loan đã “trình làng” tên lửa chống hạm mới nhất do hòn đảo này tự chế tạo, có khả năng gây ra thương vong lớn nếu được sử dụng trong các cuộc xung đột.

Năm ngoái, Hải quân Mỹ đã đưa một số tàu qua eo biển Đài Loan. Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ mô tả động thái này là nhằm thể hiện cam kết của Washington với một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do.

Năm 1996, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng đưa 2 tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan vào thời điểm xảy ra khủng hoảng với Trung Quốc. Một số ý kiến tại Washington đang kêu gọi chính quyền Mỹ cân nhắc thực hiện lại động thái trên. Điều này được cho là sẽ “chọc giận” Bắc Kinh vì chưa có bất kỳ tàu sân bay nào của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan trong hơn một thập niên qua. Trong khi đó, Trung Quốc đã đưa tàu sân bay qua eo biển Đài Loan trong một động thái nhằm phô diễn sức mạnh quân sự với hòn đảo này.

Theo Thành Đạt/ Dân Trí

  • Từ khóa

Hành trình chuyển đổi số của Trung Quốc

Trung Quốc được xem là một trong những hình mẫu phát triển công nghệ vượt bậc trên thế giới khi tất cả mọi người, mọi ngành, mọi lĩnh vực đều có “dấu...
09:22 - 28/11/2024
9 lượt xem

Israel - Hezbollah ngừng bắn

Giới chức Mỹ nhận định thỏa thuận ngừng bắn ở Lebanon có thể trở thành bước đệm hướng tới giải pháp cho cuộc xung đột ở Dải Gaza
07:35 - 28/11/2024
55 lượt xem

Ông Trump dọa áp thuế quan: Tiền tệ biến động, chứng khoán thấp thỏm, vàng giằng co

Những người ủng hộ cho rằng đề xuất thuế quan sẽ giúp tăng cường vị thế của Mỹ để đàm phán thỏa thuận thương mại có lợi hơn với các quốc gia khác.
18:59 - 27/11/2024
366 lượt xem

Tại sao vaccine đậu mùa khỉ cho trẻ em ở Cộng hòa Dân chủ Congo bị trì hoãn?

Tuần này Cộng hòa Dân chủ Congo bắt đầu tiêm vaccine đậu mùa khỉ cho người lớn ở thủ đô Kinshasa, nhưng trẻ em, nhóm dễ bị tổn thương nhất, vẫn chưa có...
17:22 - 27/11/2024
415 lượt xem

Nhóm G7 rối bời với các cuộc chiến tranh khắp thế giới khi ông Biden sắp mãn nhiệm

Tại Ý, các nhà ngoại giao hàng đầu từ Nhóm G7 đã cố gắng thể hiện sự đoàn kết về xung đột Ukraine, đồng thời tranh luận về khác biệt liên quan đến Israel...
16:00 - 27/11/2024
436 lượt xem