Số phi công đủ trình độ lái J-20, tiêm kích tàng hình tối tân nhất do chính Trung Quốc chế tạo, chỉ mới có 18 người trong khi nhu cầu thực tế lên tới hàng trăm.
Tiêm kích J-20 xuất hiện trong video tuyển phi công của không quân Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình
Không quân Trung Quốc vừa tung video tìm ứng viên đào tạo trở thành phi công cho tiêm kích tàng hình J-20 với các điều kiện cơ bản như tuổi từ 17 đến 20 và đã tốt nghiệp trung học.
Chiến dịch tuyển phi công lần này được tiến hành tại 31/33 tỉnh của Trung Quốc. Những thanh niên được lựa chọn sẽ được gửi đến học tập và huấn luyện tại các trường đại học hàng đầu Trung Quốc.
Với hàng trăm máy bay quân sự được biên chế mỗi năm, bao gồm trên dưới 100 tiêm kích - theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, nhu cầu phi công chiến đấu là rất lớn ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong khi việc chế tạo các tiêm kích là rất nhanh chóng, việc đào tạo phi công phải được tiến hành bài bản và không thể đốt cháy giai đoạn.
Hồi năm ngoái, không quân Trung Quốc đã tuyển hơn 1.480 ứng viên phi công - đây được xem là đợt tuyển quân lớn nhất gần đây của lực lượng này.
Tất cả ứng viên sẽ được đào tạo để có thể bay nhiều loại máy bay khác nhau có trong biên chế, nhưng chỉ các ứng viên xuất sắc nhất mới có thể bước vào buồng lái của tiêm kích tàng hình hạng nặng J-20.
Xuất hiện trong video quảng bá và tìm kiếm ứng viên là Bai Long - một trong 18 phi công lái J-20. Mới 29 tuổi nhưng Bai Long đã trở thành gương mặt quen thuộc với công chúng khi lái tiêm kích J-16 trong đợt duyệt binh kỷ niệm 90 năm thành lập quân giải phóng Trung Quốc năm 2017.
Hồi năm ngoái, Bai Long từng cho biết ước mơ lớn nhất của anh là được lái tiêm kích hiện đại nhất của Trung Quốc. Một năm sau đó, giấc mơ của Bai Long đã trở thành sự thật, theo SCMP.
Được chế tạo bởi Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô, J-20 thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 2011 và bắt đầu đi vào trực chiến năm 2018.
Theo ước tính của SCMP, Trung Quốc hiện có khoảng 20 chiếc J-20. Nhà phân tích quân sự Zhou Chenming cho rằng với viễn cảnh Mỹ sẽ triển khai từ 200 đến 300 chiếc F-35 và khoảng 187 chiếc F-22 tại châu Á - Thái Bình Dương trước năm 2025, Trung Quốc sẽ phải cần ít nhất 200 chiếc J-20.
Áp lực đang đè nặng lên các cơ sở đào tạo phi công chiến đấu của Trung Quốc bởi sự bành trướng quá nhanh của Không quân và Hải quân Trung Quốc.
Trong khi phải giải quyết bài toán thiếu hụt phi công J-20, các cơ sở này sẽ phải gồng mình cho ra lò các phi công chất lượng cho J-15 - loại tiêm kích duy nhất của Trung Quốc có thể hoạt động trên các tàu sân bay của nước này tính đến thời điểm hiện tại.
Theo Bảo Duy/ Tuổi Trẻ