Các thành viên Đảng Dân chủ tại hạ viện Mỹ dự kiến thông qua một dự luật ngân sách mới vào ngày 3-1-2019 nhằm chấm dứt sự kiện chính phủ đóng cửa một phần, đồng thời vẫn nói không với đề xuất 5 tỉ USD xây tường biên giới của Tổng thống Donald Trump.
Bà Nancy Pelosi dự kiến trở thành chủ tịch Hạ viện Mỹ. (Ảnh: AP)
Dự luật ngân sách mới gồm hai phần được đưa ra tại hạ viện hôm 31-12 vừa qua, gồm ngân sách dành cho Bộ An ninh Nội địa được giữ nguyên như mức hiện tại để duy trì hoạt động đến hết ngày 8-2-2019 và gói 6 biện pháp trị giá gần 265 tỉ USD tài trợ cho các cơ quan đóng cửa khác hoạt động đến hết ngày 30-9-2019. Theo đài CNN, biện pháp tạm thời sẽ duy trì mức 1,3 tỉ USD hiện tại cho an ninh biên giới, có thể được sử dụng để thiết lập hàng rào và sửa chữa các hàng rào hiện tại.
Đảng Dân chủ chính thức nắm quyền kiểm soát hạ viện từ tay Đảng Cộng hòa sau khi giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 11 năm ngoái.
Nếu được thông qua tại hạ viện, dự luật sẽ được trình lên thượng viện do phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát nhưng chưa chắc sẽ được thông qua tại đây. "Một điều đơn giản là thượng viện sẽ không gửi dự luật lên tổng thống mà ông sẽ không ký" - người phát ngôn của lãnh đạo phe Cộng hòa tại thượng viện Mitch McConnell cho biết.
Đảng Dân chủ đến nay vẫn phản đối yều cầu xây tường biên giới của ông Trump. Thủ lĩnh đa số thuộc phe Dân chủ tại hạ viện, bà Nancy Pelosi, đánh giá chuyện xây dựng bức tường là vô đạo đức, không hiệu quả và tốn kém.
Trả lời phỏng vấn kênh Fox News hôm 31-12 vừa qua, ông Trump cho biết bản thân ông sẵn sàng chấm dứt việc đóng cửa chính phủ nhưng không từ bỏ việc theo đuổi xây dựng bức tường biên giới. "Tôi sẽ không từ bỏ. Chúng ta cần phải có an ninh biên giới và bức tường là phần lớn nhất trong vấn đề an ninh biên giới".
Trong khi đó, Liên đoàn nhân viên chính phủ Mỹ (AFGE) cùng ngày cho biết người lao động đã nộp đơn kiện về việc chính phủ đóng cửa để phản đối tình trạng những lao động "nòng cốt" làm việc mà không được trả công. Ước tính có khoảng 420.000 nhân viên thuộc diện này, nhiều người trong số đó làm việc tại Bộ An ninh Nội địa và Bộ Tư pháp tập trung về vấn đề an toàn công cộng.
AFGE cho biết họ đã đệ đơn kiện vì cho rằng thật bất công khi buộc người lao động làm việc mà không được trả lương, đặc biệt là những nhân viên bảo vệ an ninh xã hội. Những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc chính phủ đóng cửa là các nhân viên tuần tra biên giới, nhân viên an ninh hàng không và thực thi pháp luật về vấn đề nhập cư.
Theo Xuân Mai/Người Lao Động