Giới chức Indonesia xác nhận trận sóng thần càn quét khu vực eo biển Sunda vào tối 22/12 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 168 người và làm bị thương 745 người khác.
Cảnh tượng tan hoang sau trận sóng thần tại Indonesia ngày 22/12. (Ảnh: Reuters)
Reuters dẫn con số thống kê mới nhất từ giới chức Indonesia cho biết ít nhất 168 người đã thiệt mạng và 745 người bị thương trên các đảo Java và Sumatra sau khi sóng thần ập vào khu vực ven biển tại eo biển Sunda tối 22/12. Con số này tăng vọt so với con số thống kê trước đó của các nhà chức trách Indonesia.
Cũng theo giới chức Indonesia, hiện vẫn còn 30 trường hợp mất tích sau trận động đất và lực lượng cứu hộ sẽ tiếp tục công tác tìm kiếm tại hiện trường.
"Số người chết sẽ còn tiếp tục tăng lên do không phải khu vực nào cũng được kiểm tra", phát ngôn viên cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho phát biểu trong cuộc họp báo tại Yogyakarta sáng nay.
Trận sóng thần ước tính đã phá hủy 558 ngôi nhà, làm hư hại nặng 9 khách sạn, 60 nhà hàng và 350 tàu thuyền.
Theo ông Nugroho, trận sóng thần xảy ra "do hiện tượng lở đất dưới đáy biển, xuất phát từ hoạt động của núi lửa Anak Krakatau" kết hợp với thủy triều dâng cao bất thường do ngày trăng tròn.
"Trận sóng thần đã tấn công một số khu vực tại eo biển Sunda, bao gồm các bãi biển ở Pandeglang, Serang và Nam Lampung", ông Nugroho cho biết thêm.
Bản đồ khu vực eo biển Sunda. (Ảnh: BBC)
Những đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy cảnh tượng nhiều người dân hoảng loạn bỏ chạy tới các khu vực cao hơn để tránh sóng thần.
Theo cơ quan khí tượng Indonesia, trận sóng thần được phát hiện tại 4 địa điểm ở các tỉnh Banten và Lampung vào khoảng 21h27 theo giờ địa phương.
Đợt sóng được ghi nhận tại bãi biển Jambu ở Banten cao 90cm. Trong khi đó, một đợt sóng khác cao tới 350cm đã ập vào khu vực Ciwandan ở Banten và 2 đợt sóng cao 360cm đổ bộ khu vực Kota Agung và Panjang ở Lampung.
Giới chức Indonesia dự đoán có thể sẽ còn các đợt sóng thần mới trong vài ngày tới do núi lửa Anak Krakatau vẫn còn hoạt động.
Nguyên nhân dẫn tới sóng thần
Rahmat Triyono, người đứng đầu cục sóng thần và động đất thuộc Cơ quan Khí tượng và Địa chất Indonesia (BMKG), cho biết giới chức Indonesia ban đầu không chắc liệu những đợt sóng xuất hiện trên biển có phải là sóng thần hay không, hay chỉ là thủy triều dâng cao vì thời điểm đó không xảy ra động đất. Đây cũng là lý do khiến chính quyền Indonesia ban đầu tuyên bố đây không phải là sóng thần và kêu gọi người dân không nên hoảng loạn.
"Trận sóng thần xảy ra hôm 22/12 được gây ra bởi sự phun trào của núi lửa. Sự phun trào này có thể rất nhỏ ở thời điểm mới bắt đầu, nhưng sau đó sẽ mạnh dần lên", ông Triyono nói.
Theo ông Nugroho, những trận sóng thần xảy ra do các vụ phun trào núi lửa là hiện tượng "hiếm".
"Không có trận động đất nào và vụ phun trào của núi lửa Anak Krakatau cũng không quá mạnh", ông Nugroho cho biết, đồng thời khẳng định không có cơn địa chấn "mạnh" nào báo hiệu sóng thần sắp đến trong vụ việc xảy ra vào tối qua.
Thi thể các nạn nhân sau trận sóng thần tại tỉnh Banten (Ảnh: Reuters)
Rudi Suhendar, người đứng đầu Cơ quan Địa chất Indonesia, không loại trừ khả năng thời tiết, chứ không phải núi lửa phun trào, là nguyên nhân dẫn tới sóng thần. Theo ông Rudi, núi lửa Anak Krakatau đã hoạt động từ cuối tháng 6 và mức độ phun trào của núi lửa này hôm qua cũng không phải là mạnh nhất.
Những người dân sống ven biển và cả khách du lịch cho biết họ không cảm nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sóng thần sắp ập đến, chẳng hạn một trận động đất hay nước biển rút xuống.
Thành Đạt/Dân trí
Theo Straitstimes