Các nghị sĩ của Mỹ dự đoán, xung đột vũ trang do tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có thể là một trong những cuộc khủng hoảng lớn mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đối mặt trong năm 2019, cùng với các "điểm nóng" khác như vấn đề Đài Loan.
Một biên đội do tàu sân bay Mỹ dẫn đầu diễn tập gần Biển Đông. (Ảnh: AFP)
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 19/12 cho biết, Trung tâm Hành động dự phòng (CPA) thuộc Hội đồng đối ngoại Mỹ mới đây đã đưa ra kết quả khảo sát về các "điểm nóng" hàng đầu trên thế giới có nguy cơ trở thành các cuộc xung đột vũ trang trong năm 2019.
Ngoài căng thẳng ở Biển Đông, lần đầu tiên cơ quan này đánh giá Đài Loan là một trong những điểm nóng hàng đầu cần lưu ý trong năm 2019.
Ngoài 2 "điểm nóng" trên, CPA cũng điểm danh các vấn đề như căng thẳng do đàm phán Mỹ-Triều thất bại, tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, căng thẳng giữa Iran với Mỹ hoặc các đồng minh, có thể là những vấn đề buộc chính phủ Mỹ hành động trong năm 2019. Tuy nhiên, CPA cũng khuyến cáo, Washington cần có những hành động thận trọng khi giải quyết các điểm nóng này bởi căng thẳng hiện này giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại và nhiều vấn đề khác.
"Chính quyền Tổng thống Trump đến nay vẫn chưa phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng mà ở đó tổng thống phải chật vật với quyết định khó khăn về việc có nên để Mỹ bắt đầu một chiến dịch can thiệp quân sự mới và tốn kém hay không... Tuy nhiên, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chính quyền Trump phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên", báo cáo của CPA nhấn mạnh.
Kể từ năm 2008, CPA hàng năm đã đề nghị các chuyên gia về đối ngoại xếp loại 30 điểm xung đột đang hoặc sắp xảy ra dựa trên diễn biến hiện tại hoặc nguy cơ leo thang căng thẳng trong năm tới, cũng như tác động của nó đến các lợi ích quốc gia của Mỹ. Khảo sát nhằm đưa ra những ưu tiên cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ để ngăn chặn xung đột.
Lần đầu tiên, các chuyên gia liệt kê căng thẳng giữa Mỹ-Trung Quốc về vấn đề Đài Loan vào danh sách điểm nóng cần lưu ý mặc dù chỉ xếp ở nguy cơ loại hai. Họ nói rằng, Trung Quốc đang gia tăng sức ép cả về kinh tế, chính trị trước cuộc bầu cử vào năm 2020 ở Đài Loan và chiến dịch này đang thổi bùng căng thẳng.
Căng thẳng Mỹ-Trung ở Biển Đông cũng có xu hướng leo thang khi Washington gia tăng chỉ trích Bắc Kinh vì các hoạt động "quân sự hóa" vùng biển này. Hồi tháng 9, tàu chiến của hai nước từng suýt va chạm ở Biển Đông.
Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã tiến hành tổng cộng 9 đợt tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông để thách thức sự bành trướng của Trung Quốc. Mặc dù vậy, cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tránh một cuộc xung đột quân sự ở vùng biển này.
Theo khảo sát của CPA, điểm nóng bán đảo Triều Tiên không có dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể khi triển vọng đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên khá mong manh bất chấp các hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều. Căng thẳng tại điểm nóng này có nguy cơ leo thang trong năm 2019 nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ.
Trong khi đó, nguy cơ xung đột ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản không còn được coi là mối quan tâm hàng đầu mặc dù từng được xếp loại cao trong các cuộc khảo sát trước. Điều này là bởi quan hệ Trung-Nhật có xu hướng ấm lên.
Ngoài các điểm nóng trên, báo cáo cũng đề cập đến các điểm nóng như chiến sự Syria, bất ổn kinh tế, chính trị ở Venezuela, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen, tình bạo lực, bất ổn ở Afghanistan gia tăng.
Theo Dân trí