Triều Tiên đã lên án lệnh trừng phạt mới nhất Mỹ áp dụng lên các quan chức Bình Nhưỡng, cảnh báo rằng động thái này có thể “chặn vĩnh viễn con đường tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 7 (Ảnh: Reuters)
Mỹ ngày 10/12 đã ban hành lệnh trừng phạt lên 3 quan chức Triều Tiên với cáo buộc về vi phạm nhân quyền, trong đó có một quan chức được xem là "cánh tay phải" của nhà lãnh đạo Kim Jong-un - Chủ tịch Ủy ban Hướng dẫn và Tổ chức của Đảng Lao động Triều Tiên Choe Ryong-hae.
Trong thông báo, phía chính quyền Triều Tiên cho biết họ bị “sốc” và “phẫn nộ” bởi lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA cáo buộc Bộ Ngoại giao Mỹ khiến quan hệ giữa 2 nước trở nên xấu đi như năm ngoái khi 2 bên liên tục dọa tấn công lẫn nhau.
Bình Nhưỡng nói rằng chính sách “áp lực tối đa” mà Mỹ đang dùng cho Triều Tiên sẽ là “tính toán sai lầm lớn nhất” và Washington nên trở về con đường xây dựng niềm tin lẫn nhau với bầu không khí hòa bình như những gì ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng hướng tới tại hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 7 ở Singapore.
Trong cuộc gặp, 2 bên đã ký tuyên bố chung nỗ lực vì mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo. Tuy nhiên, họ chưa đưa ra một lộ trình cụ thể và thống nhất cũng như chi tiết về các cơ chế kiểm soát và theo dõi hoạt động hạt nhân của Triều Tiên.
Kể từ đó tới nay, 2 bên chưa đạt được thành tựu nào lớn trong khi quan hệ Hàn Quốc và Triều Tiên đã dần trở nên đồng ấm hơn. Trong tuần qua, quân nhân 2 bên đã thân thiện bước qua lãnh thổ của nhau lần đầu tiên kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia làm đôi thông qua hiệp định ngừng bắn năm 1953.
Theo BBC, tiến trình thương lượng Mỹ-Triều dường như lại đang mắc kẹt. Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và đại diện Triều Tiên Kim Yong-chol bị hoãn hồi tháng trước và vẫn chưa lên lịch lại.
Mỹ liên tiếp thể hiện quan điểm cứng rắn với Triều Tiên. Họ tuyên bố rằng sẽ không bao giờ thông qua thỏa thuận kết thúc chính thức chiến tranh Tiều Tiên hoặc gỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế áp lên Bình Nhưỡng nếu chính quyền ông Kim vẫn được coi là mối đe dọa hạt nhân.
Theo Dân trí