Lãnh đạo của hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đã đồng ý thỏa thuận “đình chiến” tạm thời liên quan đến vấn đề xung đột thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình đã trải qua một cuộc thảo luận kéo dài suốt khoảng 2,5 giờ đồng hồ hôm thứ Bảy (giờ địa phương) bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Argentina. Cả hai đã đạt được một số thỏa thuận được đánh giá là quan trọng, làm ấm lại phần nào quan hệ đang leo thang ngày một căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Tạm thời “đình chiến”
Ông Trump quyết định tiếp tục duy trì mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỉ USD của TQ xuất khẩu sang Mỹ thay vì tăng lên 25% kể từ ngày 1-1-2019 như dự tính trước đây của Washington, CNNdẫn lời thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders. Đổi lại, phía TQ đồng ý sẽ nhập khẩu một số lượng lớn hàng nông sản từ Mỹ để làm giảm thiểu sự mất cân bằng về thương mại giữa hai nước.
Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị mô tả cuộc gặp mặt giữa hai nhà lãnh đạo mang tính “thiện chí và thẳng thắn”, đồng thời cho biết Mỹ và TQ đồng ý mở cửa thị trường và tiến tới các cuộc đàm phán nhằm loại bỏ tất cả rào cản thuế quan. Ông Vương Nghị khẳng định TQ sẵn sàng mở rộng thị trường nhập khẩu theo nhu cầu của thị trường trong nước và người dân. Theo CNN, báo chí nhà nước TQ đánh giá cuộc gặp Tập-Trump đã đạt được một sự đồng thuận quan trọng, mở ra phương hướng phát triển của mối quan hệ Washington-Bắc Kinh trong tương lai gần.
Trên chuyên cơ Air Force One trở về Mỹ sau Thượng định G20, ông Trump nói với báo chí rằng “nếu điều đó (thỏa thuận Mỹ-TQ) diễn ra thì đó sẽ là một trong những thỏa thuận lớn nhất (mà hai bên) từng đạt được”. Ông Trump nhấn mạnh điều này sẽ tạo ra tác động vô cùng tích cực đối với ngành sản xuất nông nghiệp, hàng hóa công nghiệp, máy tính và tất cả loại hàng hóa.
Phía Nhà Trắng cũng cho biết hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tiến hành ngay lập tức các cuộc đàm phán về những vấn đề mà Mỹ quan tâm bậc nhất, bao gồm việc chuyển giao công nghệ bắt buộc, sở hữu trí tuệ và tình trạng đánh cắp công nghệ qua mạng. Ông Trump và ông Tập đồng ý hoàn thành các cuộc đàm phán trong vòng 90 ngày nhưng ông Vương Nghị không nhắc đến thời hạn này trong bài phát biểu của mình.
Phái đoàn của ông Trump (phải) và người đồng cấp Trung Quốc cùng ăn tối tại thủ đô Buenos Aires, Argentina. Ảnh: AP
Chiến tranh thương mại sẽ kết thúc?
Tờ New York Times bình luận rằng cái bắt tay thỏa thuận giữa ông Trump và ông Tập, được Nhà Trắng mô tả là “thành công to lớn”, đã giúp cả hai nền kinh tế tạm dừng các xung đột thương mại kéo dài. Điều này sẽ trấn an thị trường tài chính vốn gặp phải nhiều hoài nghi và bất an trong suốt vài tháng qua. Nông dân Mỹ cũng sẽ giảm thiểu sự lo lắng trước hậu quả của các đòn trả đũa mà TQ nhằm vào Mỹ.
Không khí ăn tối giữa hai pháp đoàn Trump và Tập cũng cho thấy không chỉ TQ mà cả Mỹ cũng mong muốn tiến hành các cuộc đàm phán giải quyết xung đột. “Mối quan hệ của tôi và ông Tập rất đặc biệt. Tôi nghĩ rằng đó sẽ là một lý do thiết yếu để chúng ta có thể tiến đến việc đạt được điều gì đó tốt đẹp cho cả TQ và Mỹ”, ông Trump nói trong bữa tiệc tối với ông Tập tại Argentina.
Đáp lời, ông Tập nói “chỉ có hợp tác giữa Mỹ và TQ mới có thể phục vụ lợi ích của một thế giới hòa bình và thịnh vượng”. Khi bữa tiệc tối kết thúc, các quan chức Mỹ và TQ đã vỗ tay chúc mừng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Đây có lẽ là thành quả rõ ràng nhất mà ông Trump đạt được trong suốt Thượng đỉnh G20 lần này. Tổng thống Mỹ đã tránh né gặp mặt những nhà lãnh đạo mờ nhạt, chỉ cười trong suốt các cuộc “chạm trán” thiếu cởi mở với các đồng minh, hủy bỏ một cuộc họp báo để tưởng nhớ người tiền nhiệm George H.W. Bush vừa qua đời hôm 30-11.
Thượng đỉnh G20 cho thấy thương mại đang chiếm vị thế ưu tiên trong chương trình nghị sự của chính quyền Trump lẫn Tập. Tuy nhiên, phía Nhà Trắng vẫn tỏ ra thận trọng trong việc xem xét các khả năng đàm phán với TQ, nhất là trong bối cảnh nội bộ đội ngũ tư vấn thương mại của ông Trump đang mâu thuẫn. Trong khi một số người như Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã và đang tỏ ra mềm dẻo với TQ thì một nhóm khác, bao gồm Peter Navarro - cố vấn thương mại Nhà Trắng, hối thúc ông Trump cần phải gia tăng áp lực lên chính quyền Bắc Kinh. Bản thân ông Peter Navarro cũng có mặt tại cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập, khác với thông tin cho rằng ông bị loại khỏi chương trình đàm phán lần này.
Nhà Trắng một mặt cởi mở với TQ nhưng một mặt khẳng định nếu trong vòng 90 ngày mà Washington và Bắc Kinh không đạt được các thỏa thuận thì Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng đánh thuế từ 10% lên mức 25% đối với hàng hóa TQ. Như vậy về cơ bản, ngoài tính biểu tượng và việc kéo dài thời hạn đàm phán song phương, còn quá sớm để cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-TQ đã bước vào hồi kết.
Ông Trump “lơ” các vấn đề ngoại giao và an ninh toàn cầu
Trong suốt ngày làm việc thứ hai tại thủ đô Buenos Aires của Argentina, ông Trump gần như nói rất ít về vấn đề ngoại giao và an ninh toàn cầu, thay vào đó ông tập trung thảo luận rất nhiều về vấn đề thương mại. Điều này đẩy một số nhà lãnh đạo như Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tình thế khó xử. Bởi lẽ Đức với vai trò là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) không thể đơn phương đàm phán với Mỹ về các vấn đề thương mại dù quan hệ kinh tế Mỹ-EU cũng đang gặp vấn đề.
"Đây là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời và hiệu quả, mở ra những cơ hội không giới hạn đối với cả TQ lẫn Mỹ. Tôi rất vinh dự khi làm việc với ông Tập", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói.
Theo Dân trí