Việc Trump không gặp Putin hay Thái tử Arab Saudi có thể cho thấy ông không còn quá coi trọng quan hệ cá nhân với các lãnh đạo khác.
Trump ngày 30/11 đi qua Putin khi các lãnh đạo G20 chụp ảnh chung nhưng hai người không chào hỏi nhau. Ảnh: Reuters.
Năm 2017, khi dự Hội nghị G20 ở Đức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị các đồng minh phương Tây cô lập vì lập trường khác biệt trong vấn đề biến đổi khí hậu và thương mại. Tuy nhiên, đối với ông, điểm sáng của sự kiện này là cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người Trump từng bày tỏ hy vọng có thể trở thành "bạn thân nhất".
Tuy nhiên, G20 năm nay đã rẽ theo hướng hoàn toàn khác. Sau hai năm tránh công khai chỉ trích người đồng nhiệm Nga, Trump đã đến điểm giới hạn.
Dù đã mất nhiều tháng để sắp xếp lịch trình, Trump đột ngột thông báo hủy cuộc gặp với Putin được lên kế hoạch vào ngày 1/12 ở Buenos Aires, với lý do căng thẳng leo thang gần đây trong quan hệ Nga - Ukraine, theo NYTimes.
Một quan chức Nga nói với các phóng viên rằng lý do thực sự khiến Trump hủy cuộc gặp là thông tin do truyền thông Mỹ đưa ra, cho thấy ông từng tìm cách xây dựng một tòa tháp ở Moskva khi chiến dịch tranh cử đã bắt đầu. Trump sau đó phản bác rằng lý do duy nhất khiến cuộc họp bị hủy là "điều đã xảy ra đối với các tàu và thủy thủ Ukraine".
Putin không công khai bình luận về việc hủy hẹn của Trump, nhưng ám chỉ về hậu quả nếu các lãnh đạo của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới không thể nói chuyện với nhau. Putin nhấn mạnh ở Buenos Aires rằng việc Mỹ định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) "đặt ra rủi ro về một cuộc chạy đua vũ khí không thể kiểm soát".
Bị Mỹ khước từ, Putin đã chuyển hướng chú ý sang các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ hay Trung Quốc. Ông sẽ gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào khoảng thời gian vốn được sắp xếp để gặp Trump. Ông tập trung thúc đẩy khối các nền kinh tế lớn mới (BRICS) bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, nhấn mạnh rằng 5 nước có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Trump cũng không có cuộc gặp chính thức với Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman, người bị nghi đứng sau vụ sát hại nhà báo ở lãnh sự quán tại Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù Trump đã luôn nhấn mạnh ông coi trọng quan hệ Mỹ - Arab Saudi. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John R. Bolton nói rằng lý do là Trump có lịch trình quá bận rộn với các lãnh đạo khác.
Khi Tổng thống gặp Thái tử Mohammed bên lề cuộc họp, "họ đã chào hỏi xã giao", việc Trump đã làm "với gần như mọi lãnh đạo tham dự", theo một quan chức Nhà Trắng. Tổng thống sau đó nói với các phóng viên rằng: "Chúng tôi không thảo luận. Chúng tôi có thể làm vậy, nhưng chúng tôi chưa thảo luận gì cả".
Bộ Ngoại giao Arab Saudi đã đăng những bức ảnh Thái tử tán gẫu với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Mexico Enrique Peaa Nieto và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhưng không có ảnh với Trump. Thái tử còn có màn chào hỏi rất thân thiện bằng cách đập tay với Tổng thống Putin trước khi hai người ngồi cạnh nhau trong phiên họp đầu tiên của G20.
Trump vẫn giữ kế hoạch có bữa tối làm việc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 1/12. Ông bày tỏ sự lạc quan về khả năng đạt được một số thỏa hiệp với Trung Quốc để hạ nhiệt chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên, đối với đồng minh Hàn Quốc, Mỹ ban đầu sắp xếp cuộc gặp song phương chính thức giữa hai lãnh đạo nhưng sau đó hạ cấp cuộc gặp này xuống tiếp xúc bên lề hội nghị. Nhà Trắng không nói rõ lý do họ thực hiện thay đổi đó. Nỗ lực ngoại giao về vấn đề hạt nhân của Mỹ với Triều Tiên đã bế tắc trong những tuần gần đây. Nhà Trắng cho biết Trump vẫn hy vọng sẽ có cuộc họp thượng đỉnh tiếp theo với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Đối với một số chuyên gia, lịch trình của Trump tại G20 báo hiệu một giai đoạn mới trong cách tiếp cận của ông. "Ngoại trừ bữa tối làm việc với ông Tập, ông ấy thậm chí không thực hiện các cuộc họp song phương quan trọng", Vali R. Nasr, hiệu trưởng Trường Quốc tế nâng cao Johns Hopkins, chỉ ra.
Tổng thống Trump trước khi chụp ảnh chung với các lãnh đạo G20. Ảnh: Reuters.
William J. Burns, cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ, cho rằng Trump đang bị phân tâm bởi cuộc điều tra cáo buộc Nga thông đồng với chiến dịch tranh cử của Mỹ. Burns cảnh báo rằng việc không có các cuộc họp song phương tại G20 có thể khiến "Mỹ bỏ lỡ nhiều cơ hội", "gia tăng rối loạn quốc tế và khiến ảnh hưởng của Mỹ suy yếu".
Tuy nhiên, những chuyên gia khác cho rằng họp song phương không quá quan trọng. Elliott Abrams, người từng làm việc cho Tổng thống Ronald Reagan và George W. Bush, nói: "Khi mới nhậm chức, Tổng thống tin rằng quan hệ cá nhân giữa các lãnh đạo là một phần quan trọng trong quan hệ quốc tế. Tôi tin rằng giờ ông ấy đã phát hiện ra rằng hầu hết lãnh đạo nước ngoài không để cho sự yêu thích hay ác cảm cá nhân ảnh hưởng đến chính sách, và các chính sách quốc gia thường được thúc đẩy bởi lịch sử, địa lý và quá trình ra quyết định".
"Vì vậy, các cuộc họp của những lãnh đạo hàng đầu trở nên ít quan trọng", ông nói thêm.
Theo VnExpress