Trong khi văn kiện cuối cùng về cùng khai thác năng lượng trên Biển Đông với Trung Quốc vẫn còn để ngỏ, các quan chức Philippines thừa nhận khả năng nó trở thành hiện thực đã "khá gần".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) trong một lần gặp Tổng thống Philippines Duterte tại Manila hồi năm ngoái - Ảnh: REUTERS
Đại kế hoạch "Xây dựng, xây dựng, xây dựng" của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sắp sửa lên tầm cao mới sau chuyến thăm Philippines ngày 28 và 29-10 của Ủy viên quốc vụ - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Chuyến đi được xem là bước chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến vào tháng 11 tới, ngay sau Hội nghị cấp cao APEC ở Papua New Guinea.
Trung Quốc háo hức "khai thác chung"
Theo báo South China Post của Hong Kong, từ cuối những năm 1980 Trung Quốc đã lần lượt nêu ý tưởng "gác tranh chấp, cùng khai thác" với Philippines, Indonesia, Singapore và Malaysia.
Để giảm bớt các chỉ trích, Bắc Kinh đã nhiều lần điều chỉnh câu chữ của đề xuất này, từ "chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác", rồi rút gọn thành "gác tranh chấp, cùng khai thác" và gần đây là "khai thác chung" hay "cùng khai thác".
"Các dự án khai thác chung với Philippines sẽ trở thành minh chứng điển hình tại Biển Đông" - giáo sư Xu Liping thuộc Viện nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, tự tin khẳng định.
Bắc Kinh tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế chiếm 80% diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
"Nó không chỉ thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc trong khu vực, mà còn ngăn chặn các nước bên ngoài can dự vào khu vực này" - ông này lập luận.
Những thách thức trong liên doanh dầu khí Philippines - Trung Quốc, bao gồm các quy định trong luật pháp Philippines hoặc phân chia lợi nhuận, đã gần như được giải quyết ổn thỏa.
Hồi tháng 8-2018, Ngoại trưởng Philippines khi đó là ông Alan Peter Cayetano, người vừa từ chức để ứng cử nghị sĩ Quốc hội, tiết lộ việc khởi động dự án khai thác chung với Bắc Kinh đã "khá gần".
Phía Trung Quốc cũng đã đồng ý cần có một khuôn khổ pháp lý cho dự án. Hai quốc gia trước đó đã thành lập một ủy ban để thảo luận về các vấn đề kỹ thuật của dự án liên doanh.
Ông Cayetano cũng cho biết Manila để ngỏ đề xuất Philippines sẽ hưởng 60% lợi nhuận từ khai thác năng lượng tại Bãi Cỏ Rong, Trung Quốc được 40%.
Nhiều hệ lụy
Dù Trung Quốc đã nhiều lần chỉnh sửa câu chữ, ý đồ của đề xuất khai thác chung vẫn không thay đổi kể từ khi nó được đưa ra dưới thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Theo cảnh báo của các chuyên gia, việc Philippines và Trung Quốc bắt tay khai thác chung có thể dẫn tới nhiều hệ lụy. Các chỉ dấu đều cho thấy khả năng cao liên doanh khai thác sẽ được tiến hành tại Bãi Cỏ Rong, nơi các dự án dầu khí của Philippines đã bị đình trệ hàng chục năm qua bởi sự phản đối của Trung Quốc.
Trong khi Manila khẳng định Bãi Cỏ Rong thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này, đối với Bắc Kinh, khu vực trên vẫn nằm trong đường 9 đoạn, nghĩa là có tranh chấp xảy ra tại khu vực.
Việc chấp nhận khai thác chung của Philippines, do lẽ đó, đồng nghĩa Manila chấp nhận thực trạng có tranh chấp do Bắc Kinh tự tạo ra tại Bãi Cỏ Rong bằng đường 9 đoạn vô lý của họ.
Dù Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) có điều khoản khuyến khích các quốc gia tranh chấp "làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn", nó không thể được áp dụng cho một yêu sách chủ quyền không dựa trên bất kỳ nguyên tắc cơ bản nào của công ước.
Oái oăm! Nếu Philippines đặt bút ký vào thỏa thuận khai thác chung, họ tiếp tục vô tình thừa nhận đường 9 đoạn và biến cái vô lý của nó thành hợp lý. Điều đáng nói là chính Philippines cũng là nước đã kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS, với phán quyết ra ngày 12-7-2016 đã bác bỏ cái gọi là "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc trong đường 9 đoạn. |
Theo Duy Linh/ Tuổi Trẻ