Pakistan thử thành công tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ngay sau khi Ấn Độ từ chối đàm phán hòa bình và chi hàng tỷ USD mua vũ khí lợi hại của Nga.
Vụ thử tên lửa được Bộ Tư lệnh các lực lượng quân đội chiến lược Pakistan (ASFC) tiến hành ngày 8.10. RT cho hay, tổ hợp tên lửa của Pakistan có thể bắn cả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và tên lửa thông thường tới mục tiêu ở khoảng cách lên tới 1.300km.
Pakistan thử thành công tên lửa đạn đạo Ghauri. Ảnh: RT.
Cuộc thử tên lửa đạn đạo Ghauri được Tổng thống Pakistan Arif Alvi và Thủ tướng Imran Khan tán dương. "Vụ phóng này củng cố năng lực hạt nhân của Pakistan, nhằm mục đích hòa bình và ổn định thông qua cơ chế ngăn chặn đáng tin cậy” - tuyên bố cho biết.
Động thái này diễn ra vài tuần sau khi Ấn Độ quyết định hủy cuộc gặp với Pakistan để thảo luận về những cách thức duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Việc phóng tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cũng diễn ra sau khi Ấn Độ ký một hợp đồng trị giá 5,4 tỷ USD mua các tổ hợp tên lửa S-400 từ Nga. Thỏa thuận được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ký kết trong chuyến thăm New Delhi của nhà lãnh đạo Nga hồi tuần trước.
RT nhận định, động thái thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Pakistan chắc chắn sẽ có tác động đến Ấn Độ.
Hồi tháng 9, có báo cáo cho thấy năng lực hạt nhân của Pakistan đã trở thành “mối quan ngại đáng kể” với Mỹ và các nước khác. Theo đó, số lượng đầu đạn hạt nhân mà nước này sở hữu tăng lên tới khoảng 220- 250 vào năm 2025, một nghiên cứu thuộc Dự án thông tin hạt nhân do Liên hiệp Các nhà khoa học Mỹ giám sát cho hay.
Theo Hạ Anh/Lao Động