Ngày 7/10, Bosnia và Herzegovina đã tiến hành tổng tuyển cử trong bối cảnh người dân thất vọng với tình hình kinh tế yếu kém, tỷ lệ thất nghiệp cao, nạn tham nhũng tràn lan và đặc biệt là chia rẽ sắc tộc.
Ông Milorad Dodik. (Nguồn: AP)
Mặc dù kết quả chính thức chưa được công bố, song ứng cử viên theo chủ nghĩa dân tộc Milorad Dodik của cộng đồng Serbia tuyên bố đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hội đồng Tổng thống, gồm 3 đại diện của ba cộng đồng sắc tộc sinh sống tại Bosnia và Herzegovina gồm người Serbia, người Hồi giáo Bosnia và người Croatia.
Ông Dodik là nhà lãnh đạo lâu đời của nước Cộng hòa Srpska, thực thể của người Serbia ở Bosnia và Herzegovina.
Phát biểu từ thành phố Banja luka, thủ phủ của Cộng hòa Srpska, ông Dodik tuyên bố với 85% số phiếu được kiểm, ông đã giành được 56% số phiếu ủng hộ, đánh bại đối thủ Mladen Ivanic theo đường lối ôn hòa.
Trước đó, Ủy ban bầu cử cũng xác nhận ông Dodik đang dẫn đầu cuộc đua với 55,15% phiếu bầu. Tuy nhiên, ông Ivanic tuyên bố sẽ đợi báo cáo của các quan sát viên về việc liệu cuộc bầu cử có diễn ra công bằng hay không.
Cùng ngày, đảng "Hành động dân chủ" (SDA) người Hồi giáo cũng khẳng định ứng cử viên đảng này là Sefik Dzaferovic đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hội đồng Tổng thống.
Trong khi đó, vị trí còn lại của người Croatia trong Hội đồng Tổng thống thuộc về ứng cử viên đảng Dân chủ Xã hội Zeljko Komsic.
Ngoài việc bầu cử Hội đồng Tổng thống, cử tri Bosnia và Herzegovina cũng bỏ phiếu bầu Quốc hội trung ương và các hội đồng lập pháp địa phương.
Tổng cộng có khoảng 3,4 triệu cử tri đủ tư cách đi bầu tại 5.794 điểm bỏ phiếu trong nước và ở nước ngoài. Khoảng 50.000 quan sát viên trong nước và quốc tế đã tới giám sát cuộc bầu cử.
Bosnia và Herzegovina là một trong 6 thực thể cấu thành Liên bang Nam Tư trước đây. Nước này có 3 cộng đồng người sinh sống, trong đó đông nhất là người Bosnia, tiếp đến là người Serbia và cuối cùng là người Croatia.
Cùng với một nền kinh tế kiệt quệ và nạn tham nhũng tràn lan, quốc gia nghèo của vùng Balkan này phải đối mặt với một hệ thống chính trị bị chia rẽ sâu sắc.
Thỏa thuận chấm dứt cuộc nội chiến 1992-1995 do Mỹ làm trung gian đã khiến bộ máy chính trị của nước này phân tán quyền lực và làm chính phủ trung ương yếu thế trong khi đất nước bị chia cắt thành 2 thực thể tự trị, trong đó có một nửa tiếp tục bị chia nhỏ giữa cộng đồng người Bosnia và Liên đoàn Croatia.
Giới phân tích nhận định chính cấu trúc chính trị cồng kềnh của Bosnia và Herzegovina đã gây cản trở đối với tiến trình cải cách trong khi tạo cơ hội cho nạn tham nhũng hoành hành./.
Theo Phương Oanh/ TTXVN