Dù khả năng Brett Kavanaugh không được phê chuẩn chức vụ là không nhiều, những người biểu tình vẫn muốn tiếng nói của mình được lắng nghe.
Những người tham gia cuộc biểu tình ở Washington ngày 4/10. Ảnh: AFP.
Jessica Cathcart, 24 tuổi, đến từ California, cho biết giáo sư đại học Christine Blasey Ford là người đã truyền động lực để cô tự kể về lần mình bị tấn công tình dục thời trung học.
Angela Trzepkowski, 55 tuổi, đến từ Delaware, nói bà sẽ vô cùng thất vọng nếu Brett Kavanaugh, ứng viên thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ do Tổng thống Donald Trump lựa chọn, được phê chuẩn chức vụ. Kavanaugh bị Ford tố cáo tấn công tình dục bà tại một bữa tiệc vào những năm 1980.
Cathcart và Trzepkowski là hai trong hàng nghìn phụ nữ đổ xuống đường phố Washington ngày 4/10 biểu tình, yêu cầu các nhà lập pháp Mỹ không phê chuẩn chức vụ thẩm phán Tòa án Tối cao cho Kavanaugh, theo AFP.
Tuần trước, Blasey Ford điều trần trước các nhà lập pháp Mỹ. Buổi điều trần được truyền hình trực tiếp với hơn 20 triệu người trên khắp nước Mỹ theo dõi. Ford khẳng định sự việc xảy ra vào năm 1982.
Mang theo các tấm biểu ngữ ghi "Phụ nữ phải được lắng nghe" cùng nhiều câu khẩu hiệu khác, đoàn biểu tình tuần hành qua các tuyến phố của Washington, vừa đi vừa hô vang thông điệp ủng hộ Blasey Ford, phản đối Kavanaugh.
"Tôi cũng từng là nạn nhân và tôi chưa bao giờ thực sự kể hết câu chuyện của mình, nó xảy ra thời trung học", Cathcart cho hay. "Xem phiên điều trần của Christine Blasey Ford rồi sau đó nhìn thấy phản ứng của công chúng, tôi quyết định phải đến".
Trong lúc đoàn biểu tình chậm rãi đi quanh thủ đô Washington, một số người lại tỏ thái độ không hài lòng.
Đội chiếc mũ đỏ ghi câu khẩu hiệu quen thuộc "Biến nước Mỹ vĩ đại trở lại" mà Tổng thống Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử, Ben Bergquam chỉ trích những người biểu tình và tỏ ra hoài nghi về sự chân thành của họ.
"Tôi tin rằng phải có hàng nghìn người Mỹ cũng tới đây hôm nay để ủng hộ Tổng thống. Tôi cầu mong Kavanaugh sẽ được phê chuẩn và tôi tin ông ấy sẽ làm được", Bergquam nói.
Khi được hỏi cảm nghĩ về cuộc biểu tình, Doreen Robinson, khách du lịch, chia sẻ bà "không hứng thú lắm". "Blasey Ford không bị cưỡng hiếp. Tôi nghĩ họ đang mù quáng tin theo lời một người phụ nữ mà không có bất kỳ bằng chứng nào", Robinson cho hay.
Với việc phe Cộng hòa chiếm đa số ở thượng viện Mỹ, rất nhiều người trong đoàn biểu tình tin Kavanaugh vẫn sẽ được phê chuẩn, tuy nhiên, họ cảm thấy cần phải lên tiếng.
"Suy nghĩ một cách thực tế, Kavanaugh sẽ được phê chuẩn", Cathcart nói. "Nhưng tôi tới đây, tham gia biểu tình để nhìn thấy một làn sóng lớn, làn sóng vì phụ nữ, vì tất cả màu da, sắc tộc".
Theo Vũ Hoàng/ Vnexpress