Theo một báo cáo gần đây, bụi siêu vi PM2.5 và khí ozone là hai nguyên nhân hàng đầu khiến hơn 1,1 triệu người Trung Quốc chết trẻ và khoảng 20 triệu tấn nông sản hư hại mỗi năm.
Mỗi năm, nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại 38 tỷ USD vì ô nhiễm không khí, South China Morning Post dẫn báo cáo mới nhất từ Đại học Trung văn Hong Kong (CUHK). Các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận này dựa trên số tiền mà chính quyền Trung Quốc phải chi trả để khắc phục hậu quả của ô nhiễm không khí đến sức khỏe người dân và đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
"Con số này khá lớn, chiếm đến 0,7% GDP quốc gia", Phó giáo sư Steve Yim Hung-lam thuộc trường CUHK cho biết. Nhóm nghiên cứu do ông Yim dẫn dắt phân tích số liệu từ các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, năng lượng, giao thông vận chuyển,...
Ô nhiễm không khí khiến Trung Quốc thiệt hại 38 tỷ USD mỗi năm. Ảnh: South China Morning Post.
Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí. Theo kế hoạch hành động từ năm 2018-2020 vì "bầu trời trong xanh", Trung Quốc đề ra mục tiêu giảm 15% lượng khí oxit nitơ và lưu huỳnh đioxit trong bầu khí quyển đến năm 2020.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, hai chất gây ô nhiễm là bụi siêu vi PM2.5 và khí ozone là nguyên nhân khiến hơn 1,1 triệu người Trung Quốc chết trẻ và khoảng 20 triệu tấn nông sản bị hư hại mỗi năm.
Theo ông Yim, những con số trên cho thấy chính quyền cần tối ưu hóa các chính sách cắt giảm khí thải nhằm giải quyết cùng lúc nhiều hậu quả gây ra bởi ô nhiễm không khí.
"Chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo các chính sách cắt giảm ô nhiễm có lợi cho nhiều bên", Phó giáo sư Yim nói. Ông cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện.
Nhiều thành phố lớn của Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng. Ảnh: Reuters
"Chúng ta không nên chỉ quan tâm đến vấn đề sức khỏe, chất lượng không khí hoặc sản xuất nông nghiệp. Chúng ta cần xem xét tất cả khía cạnh và chọn ra giải pháp tối ưu nhất nhằm giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc", ông Yim nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 9 trên 10 người trên thế giới hít thở bầu không khí ô nhiễm. Tình trạng này tước đi sinh mạng của hơn 6,1 triệu người mỗi năm, trong đó hơn 1,7 triệu nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi.
Lượng bụi PM2.5 trung bình tại các thành phố của Trung Quốc là 48 microgram/mét khối, nhiều gấp đôi so với mức bình quân tại các thành phố khác trên thế giới. Hợp chất này rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người vì chúng có thể đi vào phổi và hệ tuần hoàn. Một mét khối không khí chứa nhiều hơn 10 microgram PM2.5 được cho là dưới tiêu chuẩn.
Theo Chi Mai/ Zing