Cuối tháng 7, ba hãng hàng không lớn của Mỹ là American Airlines, Delta Air Lines và United Airlines đã bỏ Đài Loan ra khỏi lịch trình của họ dưới sức ép từ Trung Quốc.
Trên thực tế, các tuyến bay giữa Đài Bắc và nhiều thành phố ở Mỹ vẫn còn đó nhưng các phương tiện đặt vé của họ tránh đề cập hòn đảo này.
American, Delta và United là 3 hãng cuối cùng (trong tổng số 44 hãng hàng không nước ngoài) điều chỉnh theo đề nghị của Cơ quan Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), nếu không sẽ bị trừng phạt, bất chấp Washington xem yêu cầu đó là "vô lý".
Trước đó, có tin Tập đoàn Sea Passion, đơn vị điều hành Hãng hàng không Palau Pacific Airways và khách sạn Sea Passion tại quốc đảo Palau nhỏ bé ở Thái Bình Dương, ngưng các chuyến bay do lượng du khách Trung Quốc sụt giảm, sau khi Palau bị gọi là "điểm đến du lịch bất hợp pháp" do có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Bản thân Đài Loan cũng chứng kiến tình trạng du khách từ Trung Quốc giảm đều đặn kể từ khi Đảng Dân Tiến ủng hộ độc lập lên nắm quyền từ năm 2016.
Dòng du khách Trung Quốc miễn thị thực đến Nga tăng 23% trong năm 2017. Ảnh: TOURISM MAIL
Dĩ nhiên, hành động gây ảnh hưởng bằng dòng du khách không phải là chuyện mới mẻ hoặc khác thường đối với Trung Quốc và cũng không phải lúc nào cũng thành công. Nhưng thực tế là nhiều nơi trên thế giới, từ Ethiopia đến Croatia, đang ra sức mời chào những du khách Trung Quốc túi tiền rủng rỉnh. Chính họ là lý do khiến các hãng hàng không nước ngoài, tập đoàn khách sạn... chịu thỏa hiệp Trung Quốc về mặt chính trị.
Năm 2017, Hàn Quốc lãnh hậu quả sau khi bị du khách Trung Quốc quay lưng vì nước này triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Ngân hàng Hàn Quốc ước tính tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc giảm 0,4% hồi năm ngoái vì hành động tẩy chay này.
Đi lại bằng đường hàng không ở Trung Quốc mang lại lợi nhuận cực lớn, nhất là khi nước này đặt mục tiêu qua mặt Mỹ để trở thành thị trường hàng không hàng đầu thế giới trong 2 năm tới - theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế. Ai cũng muốn có phần trong đó, xét cả về mặt tiếp cận không phận và số lượng hành khách.
Điều này biến du khách Trung Quốc - và ví tiền điện tử dày cộp của họ - trở thành một trong những vũ khí kinh tế giá trị nhất của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra với Mỹ lẫn trên vũ đài địa chính trị rộng lớn hơn.
Theo NLĐ