Bộ Ngoại giao Mỹ nói tình hình Tân Cương "ngày càng tồi tệ" trong khi một số quan chức khẳng định chính phủ đang thảo luận về lệnh trừng phạt.
Cảnh sát chống bạo động Trung Quốc tại thủ phủ Urumqi của Tân Cương năm 2009. Ảnh: AFP.
"Chúng tôi lo ngại sâu sắc về tình hình ngày càng tồi tệ hơn, không chỉ đối với người Duy Ngô Nhĩ mà còn cộng đồng Hồi giáo ở khu vực (Tân Cương) của Trung Quốc", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 11/9, theo Guardian.
Nauert xác nhận Bộ Ngoại giao đã nhận được thư từ một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng hồi cuối tháng 8 yêu cầu Ngoại trưởng Mike Pompeo trừng phạt một số quan chức Trung Quốc bị cáo buộc giám sát các chính sách, trong đó có Trần Toàn Quốc, bí thư đảng ủy khu tự trị Tân Cương và là một ủy viên bộ chính trị. Các nghị sĩ cũng đề nghị trừng phạt một số công ty Trung Quốc tham gia xây dựng các trại giam và tạo ra các hệ thống giám sát được sử dụng để theo dõi và giám sát người Duy Ngô Nhĩ.
Nauert từ chối đề cập cụ thể hành động của chính phủ Mỹ. "Chúng tôi không nói trước bất kỳ biện pháp trừng phạt nào có thể hoặc không thể xảy ra". Tuy nhiên, các nguồn tin từ quốc hội Mỹ nói rằng chính phủ đang bàn về các lệnh trừng phạt kinh tế. Một quan chức cho biết ý tưởng trừng phạt vẫn trong giai đoạn thảo luận và chưa có quyết định nào sắp được đưa ra.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 11/9 đề nghị Liên Hợp Quốc tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc, thực hiện nhiệm vụ một cách công bằng, khách quan và không nghe thông tin một chiều trong vấn đề Tân Cương.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet bày tỏ quan ngại về tình hình Tân Cương và kêu gọi Bắc Kinh cho phép các quan sát viên tới đó. Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc của Liên Hợp Quốc cáo buộc Bắc Kinh giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ tại khu tự trị Tân Cương.
Trung Quốc từ lâu khẳng định Tân Cương phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ các phiến quân Hồi giáo và những người ly khai. Các nhóm này đã tấn công và khuấy động căng thẳng giữa thiểu số người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ với dân tộc Hán.
Tuy nhiên, Gay McDougall, thành viên của Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, cáo buộc Trung Quốc lấy lý do chống lại chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và duy trì ổn định xã hội để biến khu tự trị của người Duy Ngô Nhĩ thành trại giam.
Theo Huyền Lê/ Vnexpress