Bất chấp các quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung Quốc vẫn làm thinh trước những yêu cầu của các đối tác quốc tế về mẫu virus H7N9 mới nhất
Dịch cúm gia cầm H7N9 tại Trung Quốc có thể gây đại dịch chết người trên toàn cầu nếu lan rộng bởi nước này đang trì hoãn các nỗ lực điều chế vắc-xin.
Vi phạm quy định WHO?
Đại dịch toàn cầu tiếp theo của thế giới có thể xuất phát từ bệnh cúm và H7N9 chính là một “ứng viên” nặng ký Ảnh: AP
Truyền thông Mỹ và Anh vừa đồng loạt đưa tin giới chức Trung Quốc làm ngơ trước yêu cầu cung cấp những mẫu virus cúm gia cầm H7N9 mới nhất từ các cơ quan y tế hai nước nói trên.
Theo báo The New York Times (Mỹ), giới chức y tế Liên bang Mỹ cho biết trong hơn một năm qua, bất chấp những yêu cầu liên tục từ Washington và các viện nghiên cứu nước này, Bắc Kinh vẫn không cung cấp mẫu virus cúm gia cầm nguy hiểm và có khả năng lây lan nhanh chóng này, khiến việc bào chế vắc-xin và phát triển phương pháp điều trị gặp trở ngại.
Trong khi đó, tờ Telegraph cho biết các chuyên gia Anh cũng không nhận được hồi đáp và bất cứ lời giải thích nào từ phía Bắc Kinh khi họ đưa ra yêu cầu tương tự các đồng nghiệp Mỹ.
Hành động nói trên của Trung Quốc có thể vi phạm quy định của WHO - vốn đòi hỏi các nước phải chia sẻ mẫu virus cúm có nguy cơ gây đại dịch để các nước khác chuẩn bị cho trường hợp bùng phát toàn cầu.
Một số nhà khoa học Mỹ lo ngại việc trao đổi nguồn cung và thông tin y tế giữa họ với Trung Quốc có thể trì trệ do quan hệ hai bên đang căng thẳng. Ông Michael Callahan, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y thuộc ĐH Harvard, chỉ rõ vấn đề này không giống câu chuyện gây khó dễ với các mặt hàng như nhôm hay đậu nành.
"Ngăn cản Mỹ tiếp cận với các mầm bệnh nước ngoài và phương pháp điều trị sẽ hủy hoại khả năng bảo vệ quốc gia chống lại loại bệnh có khả năng lây lan toàn cầu trong vòng vài ngày" - ông nhấn mạnh.
Nguy hiểm
Kể từ khi xuất hiện tại Trung Quốc năm 2013, loại virus ban đầu chỉ lây lan ở các trang trại gia cầm này đã biến thể thành dạng có thể lây nhiễm và gây chết người, với tổng cộng 1.625 ca nhiễm cho tới nay.
Ở người nhiễm bệnh, H7N9 gây các triệu chứng sốt, ho, các vấn đề hô hấp và viêm phổi hoặc suy gan, khiến tính mạng họ bị đe dọa. Tỉ lệ tử vong ghi nhận được vào khoảng 40% và một đợt tăng nhiễm đột biến năm 2017 đã buộc giới chuyên gia Mỹ thúc giục phía Trung Quốc gửi mẫu virus.
Các chuyên gia ở Anh và Mỹ xác nhận Bắc Kinh đã chia sẻ những mẫu virus H7N9 trong các năm 2013 và 2016. Tuy nhiên, không rõ động cơ nào khiến nước này làm thinh trước những yêu cầu đối với phiên bản mới nhất của virus trong một năm qua.
Diễn biến này gây lo ngại khi các chuyên gia nhận định đại dịch toàn cầutiếp theo của thế giới có thể xuất phát từ bệnh cúm và H7N9 chính là một "ứng viên" nặng ký. Nếu loại virus này trở nên dễ lây lan ở người, vắc-xin cúm theo mùa sẽ khó lòng cầm cự trong khi người Mỹ hầu như không có khả năng miễn dịch.
Các đại dịch cúm trước đây từng cướp đi sinh mạng của hàng ngàn tới hàng chục triệu người trên thế giới. Trong đại dịch "cúm Tây Ban Nha" năm 1918-1919, khoảng 50 triệu người thiệt mạng trên toàn cầu. Gần đây hơn, dịch cúm H1N1 năm 2009 cướp đi sinh mạng của từ 151.700-575.400 người trên thế giới, theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Ông Rick A. Bright, Giám đốc Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu y sinh tiên tiến (Mỹ), nhấn mạnh: "Đại dịch cúm lây lan nhanh hơn bất cứ dịch bệnh nào. Không có cách nào để làm chậm quá trình này. Mỗi phút đều rất quan trọng".
Trong khi đó, nhiều quốc gia Đông Nam Á và bán đảo Triều Tiên đang tăng cường đối phó trước cảnh báo từ Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) về khả năng lây lan dịch cúm heo châu Phi mới xuất hiện tại Trung Quốc từ tháng 8. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hôm 2-9 đã tiêu hủy 38.000 con heo để ngăn dịch cúm chưa có vắc-xin ngăn ngừa này.
Theo Thu Hằng/ NLĐ