Bình Nhưỡng xem việc Tokyo bồi thường cho những hành động trong Thế chiến II là điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ.
Lãnh đạo Triều Tiên trong chuyến gặp những người cao tuổi Triều Tiên năm 2017. Ảnh: AFP.
"Nhật Bản ngày càng tỏ ra vô lý hơn, xa rời việc xin lỗi và suy ngẫm về những tội ác ghê tởm trong quá khứ của họ", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời phát ngôn viên Ủy ban Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương của Triều Tiên (APPC) hôm nay tuyên bố.
Đế quốc Nhật cai trị Triều Tiên trong giai đoạn 1910-1945, hai nước chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao chính thức. Bình Nhưỡng khẳng định những hành động trong quá khứ của Tokyo được xem là tội ác chống lại loài người, cáo buộc chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe "đang gây thêm tội ác mới".
"Nhật Bản che giấu tội ác đã cướp đi mạng sống của hàng triệu người Triều Tiên, nhưng lại cố gắng thổi phồng vần đề vài người bị bắt cóc. Nếu Nhật Bản không chuộc lại những tội lỗi trong quá khứ, họ sẽ không bao giờ đạt được bước đi hướng tới tương lai", người phát ngôn APPC nói thêm.
Nhật Bản đã áp dụng đường lối cứng rắn với Triều Tiên từ lâu. Giới quan sát cho rằng việc Bình Nhưỡng tăng cường chỉ trích là nỗ lực để chia rẽ Tokyo khỏi các đồng minh. Triều Tiên từng phê phán việc Nhật Bản đề nghị hỗ trợ tài chính để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng vẫn chưa gặp Thủ tướng Nhật Bản. Abe hy vọng gặp Kim tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông vào tháng 9 tại thành phốVladivostok, Nga để bàn về vấn đề công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc trong thập niên 1970 và 1980. Tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao cho rằng lãnh đạo Triều Tiên khó có thể xuất hiện trong sự kiện này.
Khoản bồi thường Triều Tiên yêu cầu có thể lên đến hàng tỷ USD. "Nhật Bản cho rằng họ đã trả tiền cho Triều Tiên từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên, mối quan hệ thay đổi giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ có thể gây áp lực cho giới lãnh đạo Nhật Bản, buộc họ xem xét lại yêu cầu mới từ Bình Nhưỡng", Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nhận định.
Theo Huyền Lê/ Vnexpress