Giá nhà đắt đỏ ở Hồng Kông buộc nhiều người chọn sống trong các căn hộ chật hẹp, thiếu không gian giặt giũ và phơi quần áo.
Mô hình tự giặt sấy phát triển mạnh do nhu cầu tăng cao tại Hồng Kông Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Thực trạng này góp phần lý giải cho sự tăng vọt của các cửa hàng giặt sấy tự phục vụ kết hợp với bán nước uống tại Hồng Kông.
Xuất hiện từ năm 2014, theo báo The New York Times, mô hình này phát triển mạnh mẽ và hiện có hơn 180 tiệm hoạt động tại đặc khu hành chính này. "Chúng tôi là tầng lớp lao động, không có tiền mua máy giặt và không có không gian để phơi quần áo. Mọi người sẽ không sử dụng dịch vụ này nếu họ có tiền" - bà Lo, một người nội trợ 40 tuổi sống cùng chồng trong căn hộ chật chội, nói.
Theo chính quyền Hồng Kông, những căn hộ mới xây trong năm 2017 có diện tích bình quân khoảng 32,9 m2, giảm so với con số 39 m2 năm 2013. Điều đáng nói là xu hướng giảm diện tích sẽ tiếp tục. Theo Công ty Dịch vụ bất động sản toàn cầu JLL, hàng ngàn căn hộ rộng chưa đến 18,5 m2 dự kiến được xây vào năm 2020.
Ông Katol Lo, một trong những nhà sáng lập chuỗi cửa hàng giặt sấy Coffee & Laundry (Hồng Kông), cho biết: "Vấn đề nhà ở của Hồng Kông đã tạo ra ngành công nghiệp này. Dù không gian sống có chỗ giặt đồ thì mọi người sẽ phơi đồ ở đâu?". Nhu cầu tăng mạnh dẫn đến tình trạng ùn ứ tại một số cửa hàng giặt sấy, khiến khách hàng phải chờ vài ngày mới lấy được quần áo đã giặt.
Nhận định về tiềm năng của lĩnh vực này, ông Patten Mak - người quản lý chuỗi cửa hàng giặt sấy tự phục vụ LaundrYup - cho rằng nhu cầu cao cùng chi phí bảo trì thấp và giá nhân công rẻ giúp một tiệm giặt nhỏ có thể kiếm được hàng ngàn đô la Hồng Kông mỗi tháng. Theo ông, doanh thu này đủ hấp dẫn để thu hút thêm những tên tuổi mới.
Theo Xuân Mai/ NLĐ