Dấu hiệu khởi sắc trong quan hệ giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên khiến thị trường đất đai ở khu giáp giới phía Hàn Quốc lên cơn sốt.
Nhu cầu mua đất ở thành phố Paju đang tăng mạnh REUTERS
Những tín hiệu tích cực liên tiếp giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên trong thời gian qua kéo theo làn sóng nhiều người ở miền Nam đổ xô mua bất động sản ở khu vực giới tuyến liên Triều, bao gồm cả ở các thị trấn nhỏ và vùng nông thôn thưa thớt dân cư xung quanh khu phi quân sự (DMZ). Theo Reuters, người dân Hàn Quốc mạnh tay đầu tư với kỳ vọng đón đầu dòng vốn và làn sóng người lao động khi căng thẳng liên Triều được hóa giải.
Reuters dẫn lời ông Kang Sung-wook ở thành phố giáp giới Paju (Hàn Quốc) cho hay đã mua 8 lô đất ngay sát DMZ từ giữa tháng 3 đến nay. Trong đó, có 5 lô vị nha sĩ 37 tuổi này quyết định mua ngay dù chưa từng đến xem tận mắt mà chỉ nhìn qua bản đồ và các hình ảnh vệ tinh từ dịch vụ Google Earth.
Ông Kang giải thích nhu cầu đầu tư bất động sản tại khu vực bắt đầu nổi lên khi Seoul và Bình Nhưỡng bắt đầu đối thoại, nhảy vọt sau cuộc họp thượng đỉnh liên Triều vừa qua và vẫn đang tăng chóng mặt vì kỳ vọng trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau vào tháng 6.
“Tôi bắt đầu để ý mua đất từ khi có thông tin về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 3. Vậy mà vẫn chậm chân vì mấy lô đẹp đã có người nhanh tay lấy trước. Thị trường bất động sản ở đây đang sốt cao”, ông Kang nói với Reuters. Đến nay, ông đã chi tổng cộng 3 tỉ won (khoảng 64 tỉ đồng) để tậu 20 ha đất dọc giới tuyến.
Hiện dù dân thường bị cấm lui tới khu DMZ, song những phần đất cách khoảng 2 km về phía Hàn Quốc và các khu giới tuyến khác đang nhộn nhịp người mua kẻ bán. Số hợp đồng mua bán đất ở Paju, cửa ngõ đi vào làng đình chiến Bàn Môn Điếm thuộc DMZ trong tháng 3 đã tăng hơn gấp đôi so với tháng 2, lên mức 4.628 cuộc giao dịch, theo Reuters. Để so sánh, số hợp đồng bất động sản ở quận Gangnam, khu đất vàng ở trung tâm thủ đô Seoul chỉ tăng 9% trong cùng thời gian này.
Ở quận Jangdan-myun thuộc Paju, nơi có nhà ga Dorasan - trạm dừng xe lửa cuối cùng giáp giới Triều Tiên, số giao dịch bất động sản tăng gấp 4 lần và giá đất tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim Yoon-sik, người có 25 năm kinh nghiệm môi giới bất động sản ở Paju, cho biết: “Do cầu vượt quá cung nên nhiều người bán sẵn sàng đền hợp đồng khi có lời dạm mua hấp dẫn hơn. Thị trường thật sự nóng sốt”.
Trên thực tế, giá bất động sản tại khu vực giới tuyến từng tăng mạnh vào năm 2007 khi Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ Roh Moo-hyun gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Chỉ một năm sau, giá đất lao dốc không phanh do quan hệ hai miền xấu đi khi ông Lee Myung-bak lên cầm quyền ở Hàn Quốc.
Tuy vậy, lần này nhiều người vẫn lạc quan khi lãnh đạo Kim Jong-un cho thấy nhiều dấu hiệu sẵn sàng mở cửa và nhiều nguồn tin từ Hàn Quốc cho hay ông đã bày tỏ quan tâm đến mô hình đổi mới của Việt Nam trong cuộc hội đàm với Tổng thống Moon Jae-in hôm 27.4. “Tôi tin chắc lần này Triều Tiên sẽ theo đuổi chính sách mở cửa nền kinh tế như Việt Nam. Ông Kim Jong-un sẽ chẳng chịu đi đâu nếu ông ấy chỉ nói suông”, nha sĩ Kang quả quyết.
Theo Huỳnh Thiềm/ Thanh Niên