Chi tiêu quân sự của Nga trong năm 2017 đã giảm đi 1/5, lần sụt giảm đầu tiên trong vòng gần 2 thập kỷ, và động thái thắt chặt hầu bao này nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quân sự trước mắt của Moscow.
Cuộc diễu binh kỷ niệm ngày chiến thắng ở Moscow ngày 3-5-2017. Ảnh: REUTERS
Đó là thông tin từ bản báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), công bố ngày 2-5. Theo đó, Nga đứng thứ tư trong bảng xếp hạng các quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho quân sự, tức tụt 1 hạng so với năm trước - dưới Mỹ, Trung Quốc và Ả Rập Saudi.
Điều đáng chú ý là trong khi mức chi tiêu quân sự trên toàn cầu tăng 1%, lên 1.793 tỉ USD, Nga lại giảm 20% chi phí trong lĩnh vực này, xuống còn 66,3 tỉ USD.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1998 Nga cắt giảm ngân sách quốc phòng. Nhà nghiên cứu Siemon Wezeman nhận định: Căn cứ vào kế hoạch chi tiêu của chính phủ Nga cho đến năm 2020, chi phí quốc phòng dự kiến không thay đổi hoặc thậm chí có thể giảm xuống để thích ứng với tình trạng lạm phát.
"Rất rõ ràng là điều đó ảnh hưởng trực tiếp lên các hoạt động quân sự" - ông Wezeman nhấn mạnh.
Theo ông, Nga chắc chắn muốn chứng tỏ bản lĩnh cường quốc lớn, thông qua qua các hoạt động ở Syria, duy trì hiện diện hải quân trên Đại Tây Dương... Tuy nhiên, ông Wezeman đoan chắc Nga sẽ cắt giảm mạnh chi phí cho các hoạt động trên.
"Hiện đại hóa quân đội vẫn còn là một ưu tiên ở Nga nhưng ngân sách quốc phòng đã bị giới hạn bởi những vấn đề về kinh tế mà nước này trải qua từ năm 2014" - ông Wezeman muốn nói đến lệnh trừng phạt của phương Tây do Moscow sáp nhập bán đảo Crimea.
Thực ra, hồi tháng 3 năm nay Điện Kremlin đã thông báo Nga sẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng xuống mức dưới 3% tổng sản phẩm nội địa trong vòng 5 năm tới.
Nền tài chính Nga trở nên mong manh sau 2 năm kinh tế suy sụp do lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu toàn cầu sụt giảm. Năm 2017, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng 1,5% nhờ dầu thô tăng giá nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu 2% do chính phủ đề ra.
Tổng thống Vladimir Putin cũng đã kêu gọi tạo dựng mức sống cao hơn và chi tiêu nhiều hơn vào hạ tầng xã hội, như y tế và giáo dục. Còn một số quan chức chính phủ nước này kêu gọi giảm chi tiêu quân sự để cấp kinh phí cho những sáng kiến như vậy.
Máy bay Nga - Mỹ lại "chạm trán" Hai viên chức quốc phòng Mỹ cho biết một chiếc chiến đấu cơ Su-27 của Nga hôm 1-5 đã có hành động ngăn chặn "không chuyên nghiệp" đối với máy bay do thám P-8 của hải quân Mỹ trong không phận quốc tế trên biển Baltic. Theo đó, máy bay Nga chỉ cách máy bay Mỹ khoảng 6 m và sự "chạm trán" này kéo dài khoảng 9 phút. Giới chức Mỹ đánh giá hành động ngăn chặn trên là an toàn nhưng thiếu chuyên nghiệp. Vụ việc tương tự gần đây nhất là vào hồi tháng 1 năm nay, khi chiếc Su-27 của Nga chỉ bay cách chiếc EP-3 của hải quân Mỹ khoảng 1,5 m. Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố cáo buộc Nga "vi phạm trắng trợn các thỏa thuận hiện hữu và luật pháp quốc tế". |
Theo Hoài Vy/ NLĐ