Trong trường hợp chính phủ đóng cửa, tình trạng này có thể kéo dài một thời gian do sự chia rẽ ở quốc hội và các kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa một phần từ 0 giờ 1 phút ngày 21-12 (giờ địa phương) trừ khi quốc hội có hành động nhanh chóng về vấn đề cấp ngân sách tạm thời.
Trước đó, Hạ viện hôm 19-12 không thể thông qua dự luật ngân sách tạm thời được Tổng thống đắc cử Donald Trump hậu thuẫn sau khi hầu hết thành viên Đảng Dân chủ và 38 thành viên Đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống. Diễn biến này làm tăng nguy cơ chính phủ đóng cửa một phần trước mùa lễ cuối năm.
Dự luật chi tiêu ban đầu, do Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đề xuất, đã nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng. Tuy nhiên, ông Trump vào giờ chót đã đòi hỏi các nhà lập pháp phải tăng trần nợ công hoặc hủy bỏ dự luật này trước khi ông nhậm chức vào ngày 20-1-2025.
Ông Trump được cho là đang muốn tránh cuộc tranh cãi về trần nợ công bởi điều này có thể làm trì trệ chương trình nghị sự của ông về cắt giảm thuế mạnh mẽ và các biện pháp an ninh biên giới vốn đòi hỏi hàng ngàn tỉ USD từ ngân sách.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson phát biểu tại thủ đô Washington hôm 19-12. Ảnh: REUTERS
Không có gì lạ khi ông Trump hậu thuẫn dự luật mới hơn bởi nó gia hạn ngân sách hoạt động của chính phủ thêm 3 tháng, trì hoãn trần nợ công đến năm 2027 và dành riêng 110 tỉ USD cho cứu trợ thiên tai.
Dù vậy, trước thềm cuộc bỏ phiếu hôm 19-12, Đảng Dân chủ gọi dự luật này là "không nghiêm túc", trong lúc cáo buộc các nghị sĩ "cực đoan" của Đảng Cộng hòa đang đẩy chính phủ rơi vào tình cảnh đóng cửa.
Ngay cả một số thành viên Đảng Cộng hòa cũng chỉ trích dự luật này do lo ngại về việc chi tiêu mất kiểm soát. Nghị sĩ Chip Roy tuyên bố không bỏ phiếu cho bất kỳ lần tăng trần nợ nào nữa nếu không biết rõ các khoản cắt giảm thực tế sẽ là gì.
Trong khi đó, nghị sĩ Marjorie Taylor Greene nói bà sẽ ủng hộ việc đóng cửa chính phủ cho đến ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức.
Việc đóng cửa chính phủ một phần khiến hơn 2 triệu nhân viên liên bang không nhận được lương trước kỳ nghỉ lễ khi ngân sách của nhiều cơ quan chính phủ bị cắt giảm lập tức. Mỗi cơ quan liên bang đều lập kế hoạch dự phòng về cách thức hoạt động trong thời gian chính phủ đóng cửa và xác định nhân viên nào không được tạm nghỉ.
Theo đài CNBC, trong trường hợp chính phủ đóng cửa, tình trạng này có thể kéo dài một thời gian do sự chia rẽ ở quốc hội và các kỳ nghỉ lễ sắp tới. Đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số mong manh trong Hạ viện và Đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện. Điều này sẽ thay đổi vào ngày 3-1-2025 khi Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội.
Trong đợt đóng cửa chính phủ hồi năm 2013, khoảng 850.000 nhân viên phải tạm nghỉ việc. Tuy nhiên, ngay cả những người phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thiết yếu cũng không được trả lương trong suốt thời gian này.
Còn lần chính phủ đóng cửa gần đây nhất cũng là lần dài nhất: 34 ngày (từ ngày 21-12-2018 đến 25-1-2019). Khi đó, theo đài NBC News, các công viên quốc gia vẫn mở cửa nhưng rác bắt đầu chất đống khi nhân viên bị tạm nghỉ việc.
Trong khi đó, một số nhân viên Cơ quan An ninh Vận tải Mỹ (TSA) gọi điện xin nghỉ ốm sau khi được yêu cầu tiếp tục làm việc mà không được trả lương, dẫn đến tình trạng trì hoãn tại các sân bay. Giới chức TSA giờ đây cảnh báo đợt đóng cửa sắp tới sẽ dẫn đến thời gian chờ đợi lâu hơn tại sân bay trong mùa lễ.
Tác động kinh tế ra sao? Việc chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ có những tác động kinh tế khác nhau, cũng như chắc chắn thu hút sự chú ý của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm. Trong bối cảnh dự luật ngân sách tạm thời không qua được ải Hạ viện, một số chuyên gia tập trung phân tích xem có thể hạn chế thiệt hại ra sao nếu kịch bản trên xảy ra. Các nhà phân tích tại Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho rằng khó xảy ra đợt đóng cửa kéo dài của chính phủ, cũng như không kỳ vọng trần nợ công sẽ tăng lên trong tương lai gần. Trong khi đó, theo trang Yahoo! Finance, các chuyên gia của Ngân hàng Raymond James (Mỹ) xem khả năng chính phủ đóng cửa kéo dài là thấp nhất trong số 4 kịch bản có thể xảy ra. Thay vào đó, họ tập trung nhiều hơn vào các ý tưởng có thể ngăn chặn hoặc nhanh chóng kết thúc việc đóng cửa, chẳng hạn như một dự luật chỉ giữ lại những điều khoản được sự ủng hộ rộng rãi, như cấp ngân sách cho cứu trợ thiên tai. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), đợt đóng cửa chính phủ tốn kém nhất lịch sử đã gây thiệt hại khoảng 3 tỉ USD. Lý do là lần đóng cửa này kéo dài đến 34 ngày trong giai đoạn 2018-2019. Những lần đóng cửa khác ngắn hơn nhiều và các phân tích kinh tế sau đó thường chỉ ra rằng khoản tiền thiệt hại gần như được hoàn trả lại toàn bộ cho nền kinh tế sau khi chính phủ mở cửa trở lại. Lần này, các nhà phân tích của Goldman Sachs dự đoán mỗi tuần ngừng hoạt động của chính phủ sẽ làm giảm tăng trưởng GDP khoảng 0,15 điểm %. Tuy nhiên, việc chính phủ mở cửa lại sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP với tỉ lệ tương đương. Câu hỏi được quan tâm nhiều lúc này là liệu Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và đội ngũ của mình có sẵn sàng chấp nhận một đợt đóng cửa kéo dài hay không. Hoàng Phương |
Theo Xuân Mai/ Người lao động
https://nld.com.vn/chinh-phu-my-tren-bo-vuc-dong-cua-196241220214401614.htm