Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đặt câu hỏi về nỗ lực chấm dứt xung đột Nga - Ukraine của Trung Quốc và Brazil trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 25-9.
9 tháng sau khi xung đột Ukraine bùng nổ vào tháng 2-2022, nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky công bố "kế hoạch hòa bình" gồm 10 điểm nhằm chấm dứt giao tranh, Reuters đưa tin. Tuy nhiên, phía Moscow không đồng tình với phương án này.
"Công thức cho hòa bình đã có từ hai năm trước" – ông Zelensky nhấn mạnh trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đồng thời khẳng định việc đề xuất "các giải pháp thay thế, các phương án nửa vời, những thứ gọi là bộ nguyên tắc" sẽ chỉ khiến xung đột tiếp diễn.
Tổng thống Ukraine phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 25-9. Ảnh: Reuters
Trung Quốc đã tìm cách khuyến khích các quốc gia đang phát triển tham gia vào kế hoạch hòa bình 6 điểm mà nước này công bố cùng Brazil hồi tháng 5.
Đề xuất này kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế "vào thời điểm thích hợp với cả Nga và Ukraine, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên, thảo luận công bằng về tất cả kế hoạch hòa bình".
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã ủng hộ kế hoạch này khi phát biểu trước Đại hội đồng hôm 24-9.
Ông Zelensky đặt câu hỏi tại sao hai nước này lại đề xuất một giải pháp thay thế cho giải pháp của ông. "Mọi nỗ lực song song hoặc thay thế mục đích tìm kiếm hòa bình, trên thực tế là những nỗ lực nhằm xoa dịu tạm thời chứ không thực sự chấm dứt xung đột" - tổng thống Ukraine nhấn mạnh.
"Khi Trung Quốc - Brazil muốn tìm kiếm sự ủng hộ từ khắp nơi, từ châu Âu, hay châu Phi, thay vì một nền hòa bình trọn vẹn và công bằng, câu hỏi đặt ra là: Lợi ích thật sự là gì? Cần nhớ rằng không ai có thể hùng cường dựa trên thiệt hại của Ukraine" - ông nói.
Cũng trong bài phát biểu hôm 25-9, ông Zelensky cho biết Nga đã phá hủy tất cả nhà máy nhiệt điện và một phần lớn nhà máy thủy điện ở Ukraine. "Hãy tưởng tượng 80% hệ thống năng lượng của đất nước bạn bị phá hủy - cuộc sống sẽ ra sao" - nhà lãnh đạo Ukraine chia sẻ.
Dữ liệu từ Bộ Năng lượng Ukraine cho thấy Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này 1.024 lần từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2024.
Trong báo cáo hôm 19-9, Phái bộ giám sát nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Ukraine cho hay tình trạng thiếu điện có thể dẫn tới việc mất điện kéo dài ở Ukraine, từ 4-18 giờ/ngày trong mùa đông năm 2024.
Theo Phương Linh/ NLĐ
https://nld.com.vn/tong-thong-ukraine-dat-cau-hoi-ve-ke-hoach-cua-trung-quoc-brazil-196240926113739959.htm