Số liệu thống kê chính thức cho thấy tỉ lệ thất nghiệp ở giới trẻ Trung Quốc và Hàn Quốc trong tháng 7 năm nay đều ở mức cao báo động, bất chấp việc thị trường lao động ở hai nước này vẫn đang thiếu nhân lực.
Người trẻ Hàn Quốc tham gia hoạt động mô phỏng nghề nghiệp để tìm cơ hội việc làm phù hợp bản thân - Ảnh: AFP
Với rất nhiều cử nhân người Trung Quốc, những thứ từng được đảm bảo bởi tấm bằng đại học như cơ hội việc làm xán lạn, khả năng leo cao trong nấc thang xã hội hay triển vọng sống lạc quan đang ngày càng xa vời.Bà Yun Zhou, phó giáo sư chuyên ngành xã hội học tại ĐH Michigan (Mỹ), nhận xét.
Lý do trực tiếp lớn nhất cho hiện tượng này đó là hàng triệu người trẻ ở các nước này dù tốt nghiệp đại học nhưng không thể tìm được công việc với mức lương mong muốn.
Tuy nhiên, nếu không kịp thời giải quyết triệt để cả các nguyên nhân sâu xa, tình trạng hiện tại có thể đẩy lùi sự phát triển của hai cường quốc kinh tế châu Á.
Học cao nhưng vẫn thất nghiệp
Theo Reuters, tỉ lệ thất nghiệp của người trẻ Trung Quốc trong tháng 7 là 17,1%. Điều này cho thấy sau hơn một năm, kể từ khi tỉ lệ này tăng lên mức kỷ lục 21,3% vào tháng 6-2023, tình hình việc làm của giới trẻ Trung Quốc vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Nguyên nhân trực tiếp là vì bức tranh chung của kinh tế Trung Quốc vẫn còn khá ảm đạm, dẫn đến việc doanh nghiệp hạn chế tuyển mới hoặc chỉ tuyển với mức lương khiêm tốn.
Không ít người trẻ Trung Quốc ra trường với những tấm bằng đại học, thậm chí cả cao học, đã bị hụt hẫng trước những đề nghị việc làm không hấp dẫn.
Đứng trước tình cảnh này, một số người đã buộc phải tìm đến các công việc thu nhập thấp như giao hàng, lao động tự do… Một số tiếp tục tìm kiếm những cơ hội "béo bở", trong khi có những người lại quyết định "bỏ phố về quê" sống nhờ cha mẹ trong lúc "chờ thời".
Có một nghịch lý là trong lúc doanh nghiệp thu nhỏ quy mô tuyển dụng thì nguồn cung lao động tay nghề cao lại tăng đều.
Điển hình như trong mùa hè năm nay, số cử nhân ở Trung Quốc đạt đỉnh 11,79 triệu người, tăng xấp xỉ 2% so với năm 2023.
Thống kê của Economist cho thấy số người tốt nghiệp đại học hoặc trường nghề chiếm đến 70% trong nhóm những người trẻ thất nghiệp ở Trung Quốc vào năm 2022. Tỉ lệ này chỉ là 9% hồi đầu những năm 2000.
Đây là hệ quả không mong muốn từ việc Chính phủ Trung Quốc ban hành chủ trương mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục bậc cao hồi cuối những năm 1990 nhằm tăng cường lực lượng lao động lành nghề, dẫn đến sự bùng nổ cơ sở giáo dục đại học ở nước này.
Mốc thời gian này trùng khớp với thời điểm thế hệ trẻ em đầu tiên được sinh ra trong thời kỳ chính sách "một con" bước vào tuổi trưởng thành.
Tình hình kinh tế cải thiện, cùng với việc chỉ phải đầu tư cho một đứa trẻ, đã thúc đẩy các gia đình chi mạnh tay hơn cho việc học của con. Hai xu hướng trên cộng hưởng nhau, tạo ra sự bùng nổ số cử nhân tại Trung Quốc.
Nguồn: Statista.com - Dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Đồ họa: TUẤN ANH
Thừa và thiếu
Hàn Quốc - một cường quốc kinh tế khác ở châu Á - cũng đối mặt khó khăn tương tự.
Báo Korea Herald dẫn số liệu cơ quan thống kê nước này cho biết số người "không đi làm, không đi học và không đang trong quá trình đào tạo nghề nghiệp" (NEET) ở độ tuổi 15 - 29 tại đây đã đạt kỷ lục 443.000 người hồi tháng 7, tăng 42.000 người so với cùng kỳ năm 2023.
Số lượng NEET này cao hơn bất cứ nhóm tuổi nào khác, bao gồm cả nhóm tuổi lục tuần. NEET cũng chiếm đến 5,4% nhóm dân số trẻ của Hàn Quốc, tăng gấp đôi mức xấp xỉ 2% trong những năm đầu thập niên 2010.
Đáng báo động hơn, có đến 75,6% người trẻ thuộc nhóm NEET khẳng định không muốn đi làm. Trong số những người muốn đi làm, có đến 42,9% người giải thích vì họ không tìm được công việc có mức đãi ngộ mong muốn.
Cũng như Trung Quốc, xu hướng vừa nêu tại Hàn Quốc xuất phát từ tình hình kinh tế khó khăn và thị trường lao động "cung nhiều hơn cầu". Ngoài ra, theo báo Strait Times, một bộ phận lớn người trẻ Hàn Quốc còn đang "ảo tưởng" về năng lực bản thân.
Số liệu thống kê chính thức cho thấy gần nửa dân số trẻ nước này không muốn làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bất chấp việc các doanh nghiệp này đóng góp đến 98% nền kinh tế.
Dù là ao ước của người trẻ, những tập đoàn lớn (chaebol) như Samsung cũng chỉ đóng góp 2%.
Trong nhiều năm qua, tỉ lệ sinh ở Hàn Quốc liên tục nằm trong nhóm thấp nhất thế giới. Dân số trong độ tuổi lao động ở nước này được dự báo sẽ bắt đầu giảm từ năm 2028 và rất nhiều ngành nghề sẽ rơi vào tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.
Việc lực lượng lao động giảm nhưng người trẻ lại không chịu đi làm tạo nên nghịch lý trong xã hội Hàn Quốc. Nếu không nhanh chóng giải quyết nghịch lý này, việc thiếu nhân sự và nạn thất nghiệp hoàn toàn có thể khiến kinh tế nước này "đi lùi".
Đứng trước tình trạng báo động trên, tháng 11-2023 Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố bơm gần 1.000 tỉ won (738 triệu USD) vào các hoạt động khuyến khích những người trẻ thất nghiệp quay lại làm việc.
Số tiền này sẽ được chi cho các dịch vụ môi giới việc làm và xây dựng một nền tảng cung cấp thông tin cơ hội thực tập mới.
Theo Ngọc Đức/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/nghich-ly-that-nghiep-cua-gioi-tre-trung-han-20240822085933059.htm