Venezuela đang hứng chịu số vụ cháy rừng kỷ lục trong bối cảnh đợt hạn hán do ảnh hưởng biến đổi khí hậu đang tàn phá nhiều khu vực rừng nhiệt đới Amazon rộng lớn.
Quang cảnh một khu rừng bị cháy sau trận cháy rừng ở Công viên quốc gia Henri Pittier, Maracay, Venezuela, ngày 30/3/2024. (Ảnh: Reuters)
Theo Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE), dữ liệu quan sát từ vệ tinh đã ghi lại hơn 30.200 điểm cháy ở Venezuela từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, bao gồm cả các vụ cháy ở Amazon cũng như các khu rừng và đồng cỏ khác của đất nước. Đây là mức cao nhất trong giai đoạn này kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi lại vào năm 1999.
Các nhà nghiên cứu cho biết, các đám cháy do tác nhân con người thường nhằm mục đích dọn đất phục vụ sản xuất nông nghiệp đang lan rộng ngoài tầm kiểm soát do nhiệt độ cao và lượng mưa thấp ở miền bắc Nam Mỹ, cũng như hạn chế trong việc lên kế hoạch phòng ngừa.
Giới khoa học cho rằng, hạn hán xuất phát từ ảnh hưởng của do biến đổi khí hậu và El Nino, hiện tượng nóng lên tự nhiên ở phía đông Thái Bình Dương vốn đang gây ảnh hưởng đến các hình thái thời tiết toàn cầu.
Bà Manoela Machado, nhà nghiên cứu lửa tại Đại học Oxford, cho biết trong khi mùa mưa đã giúp giảm áp lực cho khu vực phía nam Amazon thuộc Brazil trong những tháng gần đây, thì các đám cháy ở Venezuela có thể là một dấu hiệu đáng lo ngại cho những gì sắp xảy ra khi mùa khô đến gần.
Nhà nghiên cứu này nói: “Mọi thứ đang chỉ ra rằng chúng ta sẽ chứng kiến những vụ cháy rừng thảm khốc khác - những đám cháy lớn có quy mô lớn và độ cao khổng lồ”.
Các vụ cháy rừng dữ dội nhất trong khu vực thường xảy ra ở Brazil vào tháng 8 và tháng 9 dọc theo rìa phía đông nam của rừng rậm Amazon, nơi nạn phá rừng để lấy đất nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ nhất.
Theo đại diện quản lý Công viên quốc gia Henri Pittier ở Venezuela, khoảng 400 lính cứu hỏa đang nỗ lực dập tắt đám cháy rừng lớn bùng phát trong dịp nghỉ lễ Phục sinh cuối tuần qua, vốn đang đe dọa khu bảo tồn bên bờ biển với những khu rừng mây quý hiếm này.
Bộ Môi trường và Tài nguyên Venezuela cho biết, đã triển khai nỗ lực phối hợp bằng trực thăng và thiết bị bổ sung để dập tắt đám cháy ở Henri Pittier, đồng thời tăng cường nỗ lực chữa cháy dọc theo đường cao tốc cắt ngang công viên.
Nỗ lực ứng phó cháy rừng ở Công viên quốc gia Henri Pittier, Maracay, Venezuela, ngày 29/3/2024. (Ảnh: Reuters)
Theo dữ liệu từ NASA, tại khu vực rừng Amazon xa hơn về phía nam thuộc Venezuela, có 5.690 đám cháy đang bùng phát tính đến cuối tháng 3, chiếm hơn một nửa tổng số đám cháy đang diễn ra trên toàn bộ khu vực Amazon thuộc lãnh thổ 9 quốc gia trong vùng.
Các đám cháy cũng đang bao quanh thành phố Guayana, trung tâm đô thị lớn nhất của Venezuela ở Amazon. Tại thị trấn Uverito gần đó, truyền thông địa phương đưa tin, chính quyền đã sơ tán 315 gia đình do lo ngại nguy cơ hỏa hoạn.
Thời tiết nóng và khô hơn đang góp phần thúc đẩy các đám cháy rừng ở Venezuela, làm bùng phát thêm các đám cháy xuyên biên giới ở bang Roraima của Brazil và đe dọa các khu bảo tồn bản địa.
Ông Michael Coe, Giám đốc chương trình vùng nhiệt đới tại Trung tâm Nghiên cứu khí hậu Woodwell có trụ sở tại Mỹ, cho biết Venezuela và Roraima đang chứng kiến lượng mưa chỉ ở mức từ 10% đến 25% so với mức trung bình trong 30-90 ngày qua.
Theo các chuyên gia, khu vực này đang trong một vòng luẩn quẩn, trong đó biến đổi khí hậu góp phần tạo ra tình trạng khô và nóng, khiến các đám cháy trở nên tồi tệ hơn, đồng thời những đám cháy lại giải phóng khí nhà kính khiến biến đổi khí hậu càng thêm trầm trọng.
Hỏa hoạn thường không xảy ra một cách tự nhiên ở các khu rừng nhiệt đới ẩm ướt, mà chính con người đã gây ra phần lớn các vụ cháy rừng trong quá trình phá rừng làm trang trại và chăn nuôi, như một thông lệ đã có từ lâu đời.
Hạn hán ở Amazon đã làm đảo lộn cuộc sống ở khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới kể từ năm ngoái, khiến mực nước sông xuống mức thấp kỷ lục, ảnh hưởng đến loài cá heo bản địa có nguy cơ tuyệt chủng và làm gián đoạn các chuyến tàu chở thực phẩm và thuốc men đến hàng chục thành phố trong khu vực.
Bà Machado cho biết, mặc dù có nhiều thông tin về quan sát các vụ cháy và cảnh báo rủi ro khí hậu, các chính phủ trong khu vực cần đưa ra những phản ứng mạnh mẽ hơn để ngăn chặn và xử lý các đám cháy rừng.
Bà khuyến nghị nên cấm đốt lửa trong mùa khô và thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn trương hơn để ngăn chặn các đám cháy trước khi vượt quá tầm kiểm soát.
Theo Trung Hưng/NDO (ngồn Reuters)
https://nhandan.vn/chay-rung-bung-phat-ky-luc-tai-venezuela-post802764.html