Ngày 24-1 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) công bố những biện pháp chính sách kinh tế thương mại mới.
EU không nêu đích danh mục tiêu đối phó nhưng ai cũng hiểu là chủ yếu nhằm vào Trung Quốc. Đấy vừa là sự bổ sung vừa là sự cụ thể hóa chiến lược giảm rủi ro được EU công bố trước cuộc họp thượng đỉnh với Trung Quốc hồi năm ngoái.
Cách tiếp cận của chiến lược này là EU không ngưng hoàn toàn quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư với Trung Quốc, không tách biệt hoàn toàn EU với Trung Quốc, tức là EU không "thoát Trung Quốc" nhưng tránh lệ thuộc vào quan hệ hợp tác với Bắc Kinh.
Những biện pháp chính sách mới tập trung trước hết và chủ yếu vào việc bảo hộ các công nghệ nhạy cảm và cơ sở hạ tầng quan trọng trước nguy cơ bị các đối tác cạnh tranh của EU sở hữu hoặc kiểm soát. Cụ thể ở đây là theo dõi sát sao đầu tư trực tiếp của bên ngoài vào EU, kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu của EU và siết chặt tiêu chí lựa chọn quốc gia hợp tác nghiên cứu các công nghệ quan trọng.
Từ trái sang: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - EU lần thứ 24 ở thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 12-2023 Ảnh: TÂN HOA XÃ
Hồi tháng 10-2023, EU công bố 4 lĩnh vực có nguy cơ gây nhiều rủi ro nhất cho khối này nếu bị bên ngoài nắm giữ, gồm bán dẫn tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và công nghệ sinh học. EU biện luận rằng phải hành động như vậy vì căng thẳng địa chính trị trên thế giới và vì khoa học, kỹ thuật và công nghệ phát triển rất nhanh chóng.
Nghe qua thì thấy có vẻ nghịch lý bởi EU luôn quả quyết thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác nên ngoài nhưng thực chất chiến lược của EU là "pháo đài hóa" toàn khối. Có thể ở đây EU ưu tiên tránh bị tổn hại, tức bảo đảm an ninh kinh tế trước rồi mới đến mục tiêu biến EU thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu trên thế giới về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và công nghệ.
Đối với EU, cách suy tính nói trên có cái lý riêng. Phải phòng ngừa và ngăn chặn sự thâu tóm của bên ngoài thì mới bảo vệ được những thế mạnh. Có bảo vệ được những thế mạnh này thì EU mới có thể biến chúng thành ưu thế và lợi thế trong quan hệ kinh tế đối ngoại với các đối tác bên ngoài.
Với EU, giảm rủi ro cũng còn hàm ý không để cho đối tác bên ngoài, tận dụng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và công nghệ để phát triển mạnh mẽ tới mức có thể áp đảo và gây rủi ro cho khối.
EU có lý do và lợi ích xác đáng để toan tính xa như vậy. Nhưng việc thực hiện chiến lược chung và những biện pháp, chính sách cụ thể này không dễ dàng.
Để thành công, EU trước hết phải vừa giảm rủi ro vừa thúc đẩy hợp tác kinh tế đối ngoại và công nghệ với các đối tác bên ngoài, kể cả Trung Quốc. Đồng thời, EU phải duy trì được sự thống nhất quan điểm sâu rộng và phối hợp hành động hiệu quả trong nội bộ.
Theo Ngải Sa/NLĐO
https://nld.com.vn/chien-luoc-phao-dai-hoa-196240127205834585.htm