Tokyo đã gửi Hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không Patriot tới Mỹ trong một bước nữa hướng tới tái vũ trang hoàn toàn.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot Advanced Capability-3 tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản ở Tokyo, Nhật Bản
Theo nhiều nguồn tin, Nhật Bản đã đồng ý cung cấp bộ phận Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Mỹ sau khi chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu quân sự được áp đặt theo hiến pháp hòa bình của nước này vào năm 1947.
Động thái này sẽ giúp củng cố kho dự trữ của Washington đã bị xói mòn do cuộc xung đột Ukraine đang diễn ra.
Việc bán vũ khí cho Mỹ, được xác nhận hôm 22/12/2023 tại Tokyo, đánh dấu lần xuất khẩu vũ khí sát thương đầu tiên của Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ hai.
Mặc dù tên lửa đánh chặn do Nhật Bản sản xuất sẽ không tới thẳng Kiev nhưng chúng có thể cho phép Washington gửi thêm tên lửa Patriot tới Ukraine.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với các phóng viên sau cuộc họp Nội các Nhật Bản:
“Khi thực hiện hành động này, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần bảo vệ một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật pháp, đồng thời đạt được hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Đồng ý bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết thỏa thuận tên lửa sẽ tăng cường hơn nữa liên minh Nhật-Mỹ.
Mặc dù ông Kishida nhấn mạnh rằng, “không có thay đổi nào đối với nguyên tắc của chúng tôi với tư cách là một quốc gia hòa bình”, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel thừa nhận rằng, “phạm vi, quy mô và tốc độ cải cách an ninh của Nhật Bản là chưa từng có”.
“Tokyo đang trải qua quá trình hiện đại hóa quốc phòng chưa từng có”, ông Rahm Emanuel nói.
Quyết định xuất khẩu được đưa ra cùng ngày Nội các Nhật Bản thông qua mức tăng chi tiêu quốc phòng 16%, lên mức cao kỷ lục.
Ngân sách quân sự tài khóa 2024 là 7,95 nghìn tỷ yên (55,8 tỷ USD) cũng sẽ cần được quốc hội Nhật Bản phê duyệt.
Thủ tướng Kishida công bố kế hoạch tăng cường quân sự kéo dài 5 năm vào tháng 12/2022, có thể đưa Nhật Bản trở thành nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
Những khoản chi như vậy từng được cho là không thể tưởng tượng được theo hiến pháp do Mỹ soạn thảo của Nhật Bản, theo đó Tokyo không chỉ từ bỏ quyền tiến hành chiến tranh mà còn được sở hữu vũ khí vượt quá mức cần thiết để tự vệ ở mức tối thiểu.
Việc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu của Nhật Bản có thể mở đường cho các máy bay chiến đấu F-15 và các loại vũ khí khác do các công ty Nhật Bản sản xuất theo giấy phép của Mỹ được bán cho Washington, Anh và các đồng minh phương Tây khác.
Theo Hoàng Vân/GD&TĐ (nguồn RT)
https://giaoducthoidai.vn/nhat-ban-xuat-khau-vu-khi-lan-dau-tien-ke-tu-the-chien-2-post666085.html