Kinh tế của Palestine sẽ thiệt hại khoảng 1,7 tỉ USD nếu xung đột Israel - Hamas kéo sang tháng thứ hai
Theo phân tích của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), cuộc xung đột giữa Israel và Hamas có thể khiến nền kinh tế ở Gaza và Bờ Tây thụt lùi hàng thập kỷ.
Theo đài CNN, ông Abdallah Al Dardari, Giám đốc Văn phòng khu vực của UNDP tại các quốc gia Ả Rập, cho biết kể từ khi bắt đầu xung đột, số người Palestine sống trong cảnh nghèo đói đã tăng thêm 300.000 người và dự kiến tăng thêm 500.000 người nếu xung đột kéo sang tháng thứ hai.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tình trạng nghèo đói ở Gaza vốn đã nghiêm trọng trước khi chiến dịch trả đũa của Israel diễn ra, với 61% dân số sống dưới mức nghèo khổ vào năm 2020.
Gần 1,5 triệu người ở Gaza phải rời bỏ nhà cửa từ khi xung đột Israel - Hamas bắt đầu vào tháng trước. Trong khi đó, việc Israel phong tỏa nguồn cung nhiên liệu, thực phẩm, nước uống và y tế đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Báo cáo của UNDP cảnh báo cuộc xung đột đã xóa sổ 61% việc làm ở Gaza và 24% việc làm ở Bờ Tây.
Dự báo sau một tháng xung đột, GDP của Palestine giảm 4,2% so với ước tính trước xung đột, thiệt hại khoảng 857 triệu USD. Nếu xung đột kéo sang tháng thứ hai, con số này sẽ tăng lên 1,7 tỉ USD, khiến GDP thiệt hại khoảng 8,4%.
Cũng không tránh khỏi tác động, nền kinh tế Israel thiệt hại ước tính 600 triệu USD mỗi tuần, tương đương khoảng 6% GDP, khi hàng ngàn lao động nghỉ làm do xung đột - theo báo cáo công bố hôm 9-11 của Ngân hàng Israel.
Người dân trú ẩn tại bệnh viện Al Shifa ở Gaza hôm 9-11 Ảnh: REUTERS
Thiệt hại về kinh tế dự kiến còn tăng khi lệnh ngừng bắn vẫn xa vời. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 9-11 bác bỏ lệnh ngừng bắn ở Gaza, đồng thời nói rằng quân đội đang "làm rất tốt".
Tuy nhấn mạnh không tìm cách chiếm đóng hay quản lý Dải Gaza sau khi xung đột kết thúc nhưng ông Netanyahu vẫn sẽ triển khai lực lượng Israel vào vùng lãnh thổ này nếu cần, với mục đích ngăn chặn sự trỗi dậy của các mối đe dọa quân sự.
Ông Netanyahu cho biết một chính phủ dân sự ở Gaza là cần thiết song Israel muốn chắc chắn rằng cuộc tấn công tương tự ngày 7-10 sẽ không tái diễn.
Đề cập đến kế hoạch cho tương lai của Gaza, Thủ tướng Israel nói khu vực này phải được phi quân sự hóa, vô hiệu hóa và xây dựng lại. Trước đó, những phát biểu của ông Netanyahu về việc Israel sẽ phụ trách an ninh của Dải Gaza vô thời hạn đã vấp phải phản ứng của Mỹ.
Theo các quan chức Mỹ, chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas - đang quản lý Bờ Tây - nên trở lại nắm quyền ở Gaza sau khi xung đột kết thúc. Hamas đã giành quyền kiểm soát Gaza từ chính quyền Palestine vào năm 2007.
Theo hãng tin Reuters, ông ông Abbas và các quan chức hàng đầu của Palestine nhấn mạnh việc chính quyền Palestine quay trở lại Gaza phải đi kèm với một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt tình trạng Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ mà nước này giành được trong cuộc chiến năm 1967.
Liên quan đến diễn biến cuộc xung đột, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết bộ binh đã tiêu diệt một số thành viên Hamas, bao gồm các thành viên của lực lượng Nukhba tinh nhuệ tham gia vụ tấn công hôm 7-10.
Theo IDF, họ đã tiêu diệt Ahmed Musa, chỉ huy đại đội Nukhba, và Amr Alhandi, chỉ huy trung đội Nukhba, đồn trú ở Jabaliya. Hãng tin Reuters dẫn lời phía Gaza cho biết Israel đã không kích vào ít nhất 3 bệnh viện hôm 10-11, trong đó có bệnh viện lớn nhất Gaza là Al Shifa, đe dọa hơn nữa đối với hệ thống y tế.
Trong khi đó, phía Israel cáo buộc Hamas che giấu các trung tâm chỉ huy và đường hầm bên dưới Al Shifa, điều mà lực lượng vũ trang này phủ nhận.
Phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Stéphane Dujarric cho biết 106 xe tải chủ yếu chở thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế, nước đóng chai và các sản phẩm vệ sinh đã đến Gaza hôm 8-11. Hoạt động chuyển hàng viện trợ bắt đầu từ hôm 21-10 và cho đến nay đã có 756 xe tải chuyển hàng thiết yếu, song con số này chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người dân. Nhiên liệu vẫn chưa được đưa vào Gaza. |
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/mit-mo-tuong-lai-cua-gaza-20231110205020986.htm