Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố một cuộc tấn công hạt nhân vào Nga là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 20 của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai ở Sochi, Nga ngày 5/10 (Ảnh: Reuters).
Tại phiên họp toàn thể của Hội nghị thường niên của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai hôm 5/10, Tổng thống Putin tuyên bố học thuyết quân sự của Nga nêu 2 lý do dẫn đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm "một cuộc tấn công chống lại Nga và một mối đe dọa đối với sự tồn tại của Nga".
Ông Putin cho biết không cần phải hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân theo học thuyết. "Không cần thiết phải làm điều đó, không có lý do gì để làm vậy", nhà lãnh đạo Nga nói thêm.
Tổng thống Nga cũng khẳng định, hiện không có điều gì đe dọa đến sự tồn tại của Liên bang Nga.
Theo Tổng thống Putin, không cần phải thay đổi học thuyết hạt nhân quốc gia vì cuộc tấn công trả đũa của Nga sau cuộc tấn công hạt nhân của đối phương sẽ khiến đối phương không còn cơ hội sống sót.
"Chúng ta có cần thay đổi điều này không? Và tại sao? Mọi thứ đều có thể thay đổi nhưng tôi thấy không cần thiết phải làm vậy", ông Putin nói về học thuyết hạt nhân của Nga.
"Không ai có đầu óc tỉnh táo và trí nhớ minh mẫn lại nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga", ông Putin tuyên bố.
Tổng thống Putin đề cập đến khả năng Nga có thể nối lại thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên sau hơn ba thập niên và có thể rút lại việc phê chuẩn hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân mang tính bước ngoặt.
"Tôi đã nghe thấy những lời kêu gọi bắt đầu thử nghiệm vũ khí hạt nhân và quay trở lại thử nghiệm", ông Putin nói thêm, đề cập đến những đề xuất từ các nhà khoa học và nhà bình luận chính trị theo đường lối cứng rắn cho rằng động thái như vậy có thể gửi một thông điệp mạnh mẽ tới phương Tây.
Ông Putin lưu ý rằng Mỹ đã ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện nhưng không phê chuẩn, trong khi Nga đã ký và phê chuẩn.
"Tôi chưa sẵn sàng để nói liệu chúng ta có thực sự cần tiến hành thử nghiệm hay không, nhưng về mặt lý thuyết, chúng ta có thể hành xử giống như Mỹ. Nhưng đây là câu hỏi dành cho các đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga. Về mặt lý thuyết, có thể rút lại việc phê chuẩn này", ông Putin nói.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhiều lần đề cập tới học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó nêu các trường hợp Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Theo ông Medvedev, trường hợp đầu tiên là Nga bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Trường hợp thứ hai là bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào khác được sử dụng để chống lại Nga hoặc các đồng minh của Nga. Trường hợp thứ ba là một cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu làm tê liệt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga. Trường hợp thứ tư là khi xuất hiện hành động thù địch nhằm vào Nga và các đồng minh, gây nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước, dù chỉ bằng vũ khí thông thường, chứ chưa bao gồm vũ khí hạt nhân.
Liên quan tới vấn đề vũ khí hạt nhân, trong cuộc phỏng vấn với tạp chí International Affairs hôm 18/8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết: Điều quan trọng là phải hiểu rằng: "Chính sách của Nga trong lĩnh vực răn đe hạt nhân là hoàn toàn mang tính phòng vệ. Điều đó nhằm duy trì tiềm năng của lực lượng hạt nhân ở mức tối thiểu cần thiết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ngăn chặn hành động xâm lược chống lại Nga và các đồng minh của Nga".
Theo Thành Đạt/ Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/tong-thong-putin-neu-2-truong-hop-nga-co-the-su-dung-vu-khi-hat-nhan-20231006063814940.htm