Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 25-9 cho biết nước này đã ký một thỏa thuận cho vay trực tiếp trị giá 2 tỉ USD để hỗ trợ chương trình hiện đại hóa quốc phòng của Ba Lan.
Thỏa thuận tài trợ quân sự nói trên thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước giữa thời điểm Ba Lan tìm cách tăng cường lực lượng vũ trang sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết khoản vay này sẽ được sử dụng để giúp thanh toán cho chương trình hiện đại hóa quốc phòng của Ba Lan thông qua việc mua vũ khí từ Mỹ.
Trong tuyên bố ngày 25-9, Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý: "Ngoài vai trò hỗ trợ trung tâm trong khuôn khổ hỗ trợ quốc tế cho nước láng giềng Ukraine, Ba Lan còn thể hiện cam kết sắt đá của mình trong việc tăng cường an ninh khu vực thông qua đầu tư mạnh mẽ vào chi tiêu quốc phòng".
Xe tăng Leopard 2PL trong quân đội Ba Lan. Ảnh: MILMAG
Theo hãng tin Reuters, Ba Lan là đồng minh hàng đầu của Mỹ và đứng đầu bảng xếp hạng chi tiêu quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong năm nay. NATO cho rằng Ba Lan sẽ rót 3,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào các mục tiêu quân sự, gần gấp đôi mục tiêu 2% hiện tại của NATO.
Trước đó, hồi tháng 7, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda từng thông báo với mức chi tiêu quốc phòng năm nay của Ba Lan chiếm 3,9% GDP, dẫn đầu trong NATO.
Thời điểm đó, Tổng thống Ba Lan cho rằng với tình hình hiện thời, củng cố Đông Âu là một trong các vấn đề quan trọng. Ông Duda cho rằng NATO cần sẵn sàng trước bất kỳ mối đe dọa nào đối với thành viên liên minh và an ninh sườn phía Đông sẽ là vấn đề quan trọng cần được thảo luận kỹ lưỡng.
Homar-K, bản nâng cấp hệ thống pháo phản lực phóng loạt K239 Chunmoo của Hàn Quốc dành cho Ba Lan. Ảnh: Military Today
Cũng trong ngày 25-9, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết Ba Lan sẽ thành lập một trung tâm dịch vụ máy bay trực thăng ở TP Bydgoszcz liên quan đến việc mua 96 máy bay trực thăng Apache.
96 chiếc trực thăng chiến đấu AH-64E Apache do hãng Boeing (Mỹ) cung cấp sẽ thay thế phi đội trực thăng cũ kỹ của Ba Lan.
Ba Lan cũng đã nhận được những chiếc xe tăng Abrams đầu tiên như một phần của thỏa thuận trị giá 1,4 tỉ USD mua các phương tiện chiến đấu trước đây được thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng.
Gần đây nhất, theo cơ quan mua sắm vũ khí Ba Lan, nước này đã đặt mua "vài trăm" tên lửa tấn công hải quân (NSM). Hợp đồng này sẽ cho phép quân đội tăng cường khả năng phòng thủ ven biển dọc biển Baltic.
Theo Huệ Bình/ NLĐ
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-cho-ba-lan-vay-2-ti-usd-hien-dai-hoa-quan-doi-20230926071711472.htm