Tổng cộng 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đã phải hứng chịu mưa bão nghiêm trọng chỉ trong 12 ngày của tháng 9, khiến các nhà khoa học cảnh báo rằng dạng thời tiết cực đoan này sẽ ngày càng phổ biến khi cuộc khủng hoảng khí hậu thêm nghiêm trọng.
"Sự nóng lên toàn cầu thực sự làm thay đổi các đặc tính về tần suất, cường độ và thời gian của lượng mưa" - nhà khoa học khí hậu Jung-Eun Chu từ Trường ĐH TP Hồng Kông (Trung Quốc), nhận định với đài CNN hôm 16-9.
Con số thiệt hại khổng lồ do lũ lụt cũng cho thấy các chính phủ cần gấp rút chuẩn bị cho thực tế mới này. Bà Jung-Eun Chu nói thêm: "Các chính phủ phải sẵn sàng. Họ phải bắt đầu suy nghĩ về điều đó vì họ chưa từng trải qua những sự kiện cực đoan như thế trước đây".
Khung cảnh tan hoang tại TP Derna - Libya sau thảm họa bão lũ hôm 17-9 Ảnh: REUTERS
Điển hình, bão Daniel được cho là một trong những cơn bão tồi tệ nhất lịch sử tấn công khu vực Địa Trung Hải, gây lũ lụt chết người ở Libya, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, 2 cơn bão Saola và Haikui gây nhiều thiệt hại ở miền Nam Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc) vào đầu tháng 9.
Theo bà Chu, hiện tượng "bão đôi" nói trên là trường hợp đặc biệt, trong đó cơn bão trước tạo điều kiện cho cơn bão sau nghiêm trọng thêm. Hai khối không khí di chuyển chậm, mang nhiều hơi ẩm theo hai hướng khác nhau đã va chạm, trút khối nước khổng lồ xuống Hồng Kông.
Cũng trong giai đoạn nói trên, lễ hội Burning Man ở sa mạc tại bang Nevada, miền Tây nước Mỹ, bị mưa bão lớn tấn công. Còn tại miền Đông Bắc nước Mỹ, lượng mưa ở 2 bang Massachusetts và New Hampshire cao hơn 300% so với mức bình thường trong 2 tuần qua. Theo các chuyên gia, nhiệt độ đại dương ấm kỷ lục đã thúc đẩy một mùa bão Đại Tây Dương hoạt động mạnh mẽ.
Theo Anh Thư/ NLĐ
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/them-loi-canh-bao-ve-thoi-tiet-cuc-doan-2023091721583124.htm