Một số nguồn tin cho biết các nhà lãnh đạo Nhóm G20 đã đồng ý cấp cho Liên minh châu Phi tư cách thành viên thường trực của tổ chức này.
Các nhà lãnh đạo G20 chụp ảnh chung tại hội nghị ở Italy năm 2021 (Ảnh: G20).
Theo một số hãng truyền thông đưa tin trước hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ trong tuần này, các nhà lãnh đạo của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đồng ý cấp cho Liên minh châu Phi (AU) quyền thành viên thường trực của tổ chức này.
Khối AU gồm 55 quốc gia châu Phi, hiện được G20 xếp vào nhóm "tổ chức quốc tế được mời". Nếu được chấp thuận, AU sẽ có tư cách tương tự Liên minh châu Âu (EU) trong nhóm.
Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ, quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên G20, được cho là đã kêu gọi các nhà lãnh đạo khác chấp nhận Liên minh châu Phi gia nhập nhóm trong một bức thư hồi tháng 6.
Nam Phi hiện là thành viên G20 thường trực duy nhất đại diện cho lục địa này, trong khi Ai Cập và Mauritius là những "khách mời".
Việc gia nhập sắp tới của Liên minh châu Phi vào G20 đã được báo Times of India, hãng tin Bloomberg và nhật báo Vedomosti của Nga xác nhận.
Lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ nhóm họp tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong hai ngày 9-10/9 tại New Delhi, Ấn Độ.
Trọng tâm của các hội nghị G20 là hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, qua các năm, chương trình nghị sự được mở rộng đến các vấn đề như biến đổi khí hậu, năng lượng bền vững, y tế toàn cầu.
Tuy nhiên, năm nay các chuyên gia cho rằng ngoài vấn đề kinh tế, các chủ đề như căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, chiến sự Nga - Ukraine, tác động của những bất ổn địa chính trị đối với an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu, các mục tiêu chống biến đổi khí hậu có thể "đốt nóng" hội nghị.
Trong số các lãnh đạo quốc tế dự kiến tham gia hội nghị có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.
Đây là lần đầu tiên Ấn Độ chủ trì sự kiện với sự tham gia của nhiều lãnh đạo quyền lực như vậy. Ấn Độ đã huy động 130.000 nhân viên an ninh để đảm bảo an toàn trong thời gian diễn ra hội nghị.
G20 là nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, chiếm hơn 90% tổng quy mô GDP toàn cầu.
Theo Thành Đạt/Dân trí (nguồn RT)
https://dantri.com.vn/the-gioi/g20-co-the-sap-mo-rong-thanh-vien-20230907191518973.htm