Bộ trưởng Lương thực Ấn Độ Sanjeev Chopra ngày 22-8 cho biết nước này hiện không cân nhắc hạn chế xuất khẩu gạo đồ sau khi xuất hiện thông tin New Delhi xem xét áp thuế lên mặt hàng này. Gạo đồ đang chiếm gần 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này.
Vào tháng rồi, Ấn Độ gây ngạc nhiên cho bên mua khi áp lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, theo sau lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm vào năm ngoái. Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tăng cường nỗ lực kiềm chế giá lương thực trong nước trước thềm cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào đầu năm tới.
Đáng chú ý, lượng mưa ở các bang trồng gạo chủ chốt (West Bengal, Uttar Pradesh, Jharkhand, Bihar, Chhattisgarh và Andhra Pradesh) thấp hơn mức bình thường cho đến nay, làm gia tăng nỗi lo về nguồn cung trong nước.
Gạo được bán tại chợ ở TP Navi Mumbai - Ấn Độ ngày 4-8. Ảnh: REUTERS
Theo trang Bloomberg, giá gạo ở châu Á trong tháng này tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 15 năm sau động thái nói trên của Ấn Độ và nỗi lo về triển vọng sản lượng gạo của Thái Lan.
Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cảnh báo điều kiện thời tiết bất lợi tác động đến hoạt động sản xuất và nguồn cung gạo.
Ông Qingfeng Zhang, chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nói với đài CNBC: "Giá gạo toàn cầu đặc biệt đáng lo ngại. Dường như biến động giá lương thực sẽ kéo dài trong những tháng tới".
Sự kết hợp của nhiều yếu tố đang làm dấy lên lo ngại tình trạng thiếu nguồn cung gạo có thể khiến giá các mặt hàng lương thực khác ở châu Á tăng mạnh trở lại.
Các yếu tố đó bao gồm khí hậu khắc nghiệt do hiện tượng nóng lên toàn cầu, cùng với sự xuất hiện của hiện tượng thời tiết El Nino, Nga rút khỏi sáng kiến ngũ cốc biển Đen và các chính sách bảo hộ lương thực dưới hình thức hạn chế thương mại.
Bà Erica Tay, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Maybank (Malaysia), nhận định nếu nhìn vào con số cung và cầu tổng thể, các nước châu Á đang ở vị thế rất tốt để vượt qua cú sốc về giá và cung trên thị trường gạo.
Dù vậy, chuyên gia này lập luận với các hình thái thời tiết của hiện tượng El Nino có thể xảy ra trong thời gian tới, sự gián đoạn nguồn cung lương thực có thể xảy ra trên diện rộng hơn.
Cũng theo bà Erica Tay, mối lo chính không chỉ nguồn cung gạo bị ảnh hưởng mà lượng nông sản nói chung có nguy cơ bị tác động tiêu cực và điều này có thể làm gia tăng rủi ro về lạm phát giá tiêu dùng cao hơn.
Theo Xuân Mai/Người Lao Động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/noi-lo-lam-phat-luong-thuc-tro-lai-chau-a-20230823214124421.htm