Tổng thống Indonesia đã bị ho liên tục vài tuần qua trong lúc thủ đô Jakarta nằm trong nhóm những thành phố có không khí ô nhiễm nhất thế giới.
Theo bảng xếp hạng các thành phố có mức ô nhiễm không khí cao do IQAir (Thụy Sĩ) ngày 17.8, thủ đô Jakarta của Indonesia xếp thứ ba chỉ sau Dubai (UAE) và Kuwait City (Kuwait).
Quang cảnh thủ đô Jakarta của Indonesia ngày 9.8 REUTERS
Đài Channel New Asia dẫn lời một quan chức môi trường Indonesia cho biết từ tháng 6, Jakarta liên tục nằm trong nhóm các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Chất lượng không khí tồi tệ đã khiến người dân thủ đô Indonesia gặp nhiều vấn đề sức khỏe và Tổng thống Joko Widodo cũng không phải ngoại lệ.
Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Sandiaga Uno ngày 14.8 cho hay Tổng thống Widodo đã bị ho trong 4 tuần qua do ô nhiễm không khí tại Jakarta. Theo ông Uno, nhà lãnh đạo chưa từng bị như vậy. "Có khả năng, như lời bác sĩ của tổng thống, căn bệnh là do chất lượng không khí kém và gây hại", ông Uno nói.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại một sự kiện ở Jakarta ngày 16.8 REUTERS
Cùng ngày hôm đó, Tổng thống Widodo đã có cuộc họp với nhiều bộ trưởng về vấn đề ô nhiễm không khí tại Jakarta. Ông cho biết do mùa khô kéo dài trong 3 tháng qua và khí thải từ hoạt động giao thông và công nghiệp ở vùng Đại Jakarta, đặc biệt là các cơ sở sử dụng than làm nhiên liệu, đã dẫn đến gia tăng ô nhiễm. Vùng Đại Jakarta gồm thủ đô Jakarta, Bogor, Depok, Tangerang và Bekasi.
Nhà lãnh đạo chỉ đạo các bộ ngành liên quan can thiệp để cải thiện chất lượng không khí tại Đại Jakarta, đưa ra các giải pháp ngắn, trung và dài hạn để giảm nhẹ tình trạng ô nhiễm như tạo mưa, ban hành quy định hạn chế phát thải, tăng không gian xanh, giảm sử dụng phương tiện xài nhiên liệu hóa thạch…
"Nếu cần, chúng ta phải khuyến khích các văn phòng thực hiện mô hình làm việc lai, kết hợp giữa làm tại văn phòng và làm tại nhà", Tổng thống Widodo nói.
Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Siti Nurbaya cho biết chính phủ cũng đang nghiên cứu áp thuế ô nhiễm môi trường nhằm giảm ô nhiễm không khí tại Jakarta. Chính phủ cũng nói sẽ kiểm tra ngẫu nhiên mức phát thải của phương tiện, đồng thời cân nhắc phạt tiền và tước giấy phép đối với người tái phạm.
Theo Vi Trân/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/bi-ho-keo-dai-tong-thong-indonesia-ra-lenh-cai-thien-khong-khi-thu-do-jakarta-185230817101330462.htm