Ngày 1/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu tuyên bố phía Ukraine đã mất hơn 20.000 binh sĩ chỉ trong tháng 7.
Minh họa/INT
Trước đó, quan chức Nga cảnh báo có thể dùng vũ khí hạt nhân để đối phó với cuộc phản công của Ukraine.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định Ukraine đã hứng chịu những tổn thất khổng lồ trong tháng qua mà không tạo ra được bước đột phá nào trên chiến trường, dù cuộc phản công đã bước sang tháng thứ hai.
Cụ thể theo ông Shoigu, hơn 20.000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng cùng hơn 2.200 khí tài các loại bị phá hủy.
Trong số các loại vũ khí của Ukraine bị tiêu diệt theo lời quan chức Nga có các loại vũ khí hiện đại do phương Tây viện trợ như xe tăng Leopard, xe chiến đấu bộ binh Bradley và hệ thống pháo M77.
Đặc biệt, cũng theo nguồn tin này, chỉ trong hai ngày 26 và 27/7 phía Ukraine đã tổn thất tới 400 binh sĩ và 63 khí tài quân sự các loại tại chiến trường Orekhove, nơi Nga thiết lập một tuyến phòng thủ.
Những con số thiệt hại của đối phương được Nga đưa ra là rất lớn trong điều kiện tác chiến hiện đại hiện nay.
Tuy nhiên thông tin này chưa có cách nào kiểm chứng, trong khi phía Ukraine cũng chưa lên tiếng bình luận.
Con số này có thể chưa chính xác nhưng phần nào phản ánh được mức độ khốc liệt tại những nơi giao tranh trực tiếp giữa quân đội Ukraine và Nga hiện nay.
Mức độ khốc liệt và đẫm máu của cuộc xung đột đang chứng kiến sự gia tăng so với thời điểm trước khi Ukraine tiến hành cuộc phản công 2 tháng trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu còn cho biết, quân đội nước này đang tiến công tại nhiều hướng nhằm làm suy yếu lực lượng Ukraine, báo hiệu sự khốc liệt sẽ còn lớn hơn trong thời gian tới.
Trong khi đó, điều thế giới lo ngại nhất trong cuộc xung đột này là việc sử dụng vũ khí hạt nhân cũng đã được quan chức cấp cao Nga nhắc tới.
Cụ thể ngày 30/7 vừa qua, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, một vị cựu tổng thống Nga, cảnh báo rằng Moscow có thể sẽ phải huy động vũ khí hạt nhân nếu chiến dịch phản công của Ukraine thành công và chia cắt một phần lãnh thổ Nga.
Ông Medvedev viện dẫn các tình huống sử dụng vũ khí hạt nhân theo một học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó quy định nước này có thể sử dụng vũ khí hủy diệt để đáp trả những hành động gây hấn được thực hiện bằng vũ khí thông thường, đe dọa đến sự tồn tại của nhà nước Nga.
Việc Ukraine phản công thành công, chia cắt các vùng đất Nga có thể được coi là điều kiện để kích hoạt kho vũ khí nguyên tử.
Cùng với những diễn biến khốc liệt và khó lường trên chiến trường trực tiếp, trong những ngày gần đây phía Ukraine cũng đang liên tục sử dụng máy bay không người lái để tấn công các cơ sở hạ tầng của Nga, thậm chí cả các tòa nhà ở thủ đô Moscow.
Nga tuyên bố đây là các cuộc tấn công khủng bố và đáp trả bằng cách tăng cường tập kích các cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine nằm sâu trong lãnh thổ nước này.
Cùng với những dấu hiệu leo thang trong cuộc chiến thì cơ hội cho ngừng bắn và hòa bình lại ngày càng mờ mịt.
Nga cáo buộc giới chức Kiev không muốn hòa bình vì Tổng thống Ukraine đã ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với phía Nga.
Moscow cũng khẳng định số vũ khí khổng lồ mà phương Tây đang viện trợ cho Ukraine sẽ không giúp ích gì cho họ mà sẽ chỉ khiến cuộc xung đột kéo dài hơn mà thôi.
Theo Đức Anh/GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/su-khoc-liet-chua-co-diem-dung-post649097.html