Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết cánh cửa đã được mở để New Zealand tham gia thỏa thuận an ninh AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) chụp ảnh cùng Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins ở Wellington ngày 27/7 (Ảnh: Reuters).
"Cánh cửa đang rất rộng mở cho New Zealand và các đối tác khác tham gia khi họ thấy phù hợp trong tương lai", Ngoại trưởng Blinken phát biểu tại một cuộc họp báo ở Wellington hôm 27/7.
"Chúng tôi đã làm việc cùng nhau trong một thời gian dài về các vấn đề an ninh quốc gia quan trọng nhất. Vì vậy, khi chúng tôi phát triển hơn nữa AUKUS, như tôi đã nói, cánh cửa sẽ mở ra để (các nước bên ngoài) có thể tham gia", nhà ngoại giao Mỹ nói thêm.
Ngoại trưởng Blinken đến New Zealand trong khuôn khổ chuyến thăm 3 nước Thái Bình Dương. Ông đã gặp Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins và Ngoại trưởng Nanaia Mahuta. Ông dự kiến đến Australia vào cuối ngày 27/7, nơi cuộc tập trận quân sự lớn nhất giữa hai nước sắp bắt đầu.
New Zealand cho biết nước này sẵn sàng thảo luận về giai đoạn thứ hai của AUKUS, tập trung vào công nghệ quân sự. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mahuta nhắc lại rằng New Zealand "không sẵn sàng thỏa hiệp hoặc thay đổi lập trường phi hạt nhân của mình" và New Zealand tiếp tục ủng hộ một khu vực Thái Bình Dương không hạt nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Andrew Little hồi tháng 3 tuyên bố nước này quan tâm đến việc trở thành thành viên thứ tư của thỏa thuận an ninh AUKUS, hy vọng được tham gia phát triển công nghệ quân sự như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và công nghệ thông tin tiên tiến.
Bộ trưởng Little cho biết quân đội New Zealand có thể sẽ phải nâng cấp một số thiết bị để bắt kịp các tiêu chuẩn của Mỹ và Australia nếu muốn tham gia AUKUS, cụ thể là trong lĩnh vực liên lạc vì một số công nghệ của nước này "ngày càng lỗi thời".
Tuy nhiên, với các nghĩa vụ pháp lý và cam kết đạo đức của New Zealand là "phi hạt nhân", Bộ trưởng Little cho biết bất kỳ sự tham gia nào của New Zealand vào AUKUS sẽ chỉ liên quan đến vũ khí thông thường.
Thỏa thuận AUKUS được Anh, Mỹ và Australia ký kết vào năm 2021, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ hạt nhân từ Mỹ sang Australia với sự giúp đỡ của Anh, nhằm chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia.
Giới quan sát nhận định AUKUS được cho là nhằm đối phó các động thái mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden từ khi nhậm chức đã coi việc đối phó Trung Quốc là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Washington.
Bắc Kinh cáo buộc thỏa thuận AUKUS góp phần phổ biến công nghệ hạt nhân trên khắp thế giới, cũng như "gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình khu vực" và tăng cường "chạy đua vũ trang" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trung Quốc kêu gọi các nước không thiết lập các khối gây tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba.
Theo Thành Đạt/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/ngoai-truong-my-canh-cua-aukus-rong-mo-voi-new-zealand-20230727144610186.htm