Trong khi Nga và Ukraine cáo buộc qua lại, Liên Hiệp Quốc cảnh báo hậu quả vụ vỡ đập Nova Kakhovka là một thảm kịch với cả hai phía.
Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsya (phải) trước một cuộc họp của Hội đồng Bảo an hồi tháng 2-2023 - Ảnh: AFP
Vụ vỡ đập Nova Kakhovka ở vùng Kherson (Ukraine) tiếp tục là nguồn cơn cho những cáo buộc qua lại giữa Kiev với Matxcơva. Con đập bị xé toạc ngày 6-6, điều mà Nga và Ukraine cho rằng có tác động của bên còn lại, không phải tự nhiên mà vỡ.
Theo yêu cầu từ cả Nga và Ukraine, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp khẩn tối 6-6 (giờ Mỹ, tức rạng sáng 7-6 giờ Việt Nam).
Nga, Ukraine dùng các từ ngữ mạnh
Nhiều thành viên Hội đồng Bảo an đã có ý ủng hộ Ukraine khi chỉ ra nguyên nhân sâu xa, theo Hãng tin Reuters. Lập luận của các nước này là đập Nova Kakhovka sẽ không vỡ nếu Nga không tấn công Ukraine.
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia thì đổ lỗi cho Ukraine. Ông cáo buộc nước này cố gắng tạo "cơ hội thuận lợi" để tập hợp lại quân đội nhằm tiếp tục phản công.
"Việc phá hoại có chủ ý, do Kiev thực hiện nhằm vào một cơ sở hạ tầng quan trọng là cực kỳ nguy hiểm", ông Nebenzia nêu cáo buộc. Đại sứ Nga cũng dùng những từ ngữ mạnh để gọi tên hành động mà ông cho là do Ukraine làm.
Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsya đáp trả bằng các ngôn từ mạnh không kém, bác bỏ lời tố rằng Ukraine đi phá hoại một cơ sở hạ tầng quan trọng trên chính lãnh thổ mình.
"Về mặt vật lý, không thể làm nổ tung nó từ bên ngoài bằng cách pháo kích", ông Kyslytsya bác bỏ cáo buộc Nga đưa ra trước đó. Theo ông, chính Nga - những người đang kiểm soát đập Nova Kakhovka - mới có khả năng làm việc đó.
Đập Nova Kakhovka nằm trên sông Dnipro. Con đập giữ vai trò tích nước cho thủy điện Kakhovka. Các hình ảnh vệ tinh và thực địa cho thấy cả nhà máy điện cùng đập chắn đã bị hư hại nghiêm trọng.
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia - Ảnh: REUTERS
Ngoài 15 thành viên Hội đồng Bảo an, Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths cũng dự cuộc họp khẩn, ông Griffiths gọi hậu quả của vụ vỡ đập là "thảm họa".
Hàng ngàn người ở miền nam Ukraine, thuộc cả hai chiến tuyến sẽ phải hứng chịu "những hậu quả nghiêm trọng". Đó là chuyên mất nhà cửa, lương thực, nước sạch và sinh kế. Tuy nhiên sẽ mất vài ngày để các bên đánh giá đầy đủ mức độ nghiêm trọng.
Ông cũng mô tả việc đập Nova Kakhovka bị vỡ là đòn giáng mạnh vào sản xuất lương thực trong khu vực. Nguy hiểm hơn, mìn và chất nổ có thể sẽ bị cuốn trôi, dạt vào các khu vực vốn an toàn trước đây.
Liên Hiệp Quốc và Mỹ thận trọng
Bên lề cuộc họp của Hội đồng Bảo an, khi được hỏi liệu Mỹ có biết ai chịu trách nhiệm hay không, Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Robert Wood nói "không chắc" nhưng hy vọng sẽ có thêm thông tin trong vài ngày tới.
"Tại sao Ukraine lại làm điều này với lãnh thổ và người dân của chính họ, làm ngập lụt đất đai của họ, buộc hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa? Điều đó nghe thật vô lý", ông Wood nêu quan điểm.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thừa nhận tổ chức này không có "các nguồn tin độc lập" để biết chuyện gì đã xảy ra với đập Nova Kakhovka.
"Tất cả chúng ta đã thấy những hình ảnh bi thảm về thảm họa nhân đạo, kinh tế và sinh thái nghiêm trọng ngày hôm nay ở vùng Kherson của Ukraine", ông Guterres nêu vấn đề.
Ông thông báo tổ chức này đang gấp rút phối hợp với Chính phủ Ukraine để hỗ trợ nhân đạo. Nước sạch dùng để uống và viên lọc nước cùng các nhu yếu phẩm khác sẽ được chuyển cho những người bị ảnh hưởng.
Theo Duy Linh/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/lien-hiep-quoc-canh-bao-hau-qua-vu-vo-dap-nova-kakhovka-la-tham-kich-20230607083506878.htm