Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng các mạng lưới buôn bán ma túy tại châu Á đang gia tăng sử dụng các tuyến đường biển để vận chuyển ma túy đá (methamphetamine) từ Myanmar.
Ma túy đá từ bang Shan thuộc vùng đông bắc Myanmar, trung tâm sản xuất ma túy trong khu vực, đang được vận chuyển bằng thuyền để tránh các cuộc tuần tra chặt chẽ hơn trên các tuyến đường bộ qua Trung Quốc và Thái Lan, theo báo cáo thường niên do Văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) công bố hôm nay 2.6.
Khu vực biên giới giữa Myanmar, Lào và Thái Lan từ lâu đã là điểm nóng sản xuất và buôn bán ma túy, đặc biệt là ma túy đá và thuốc phiện, theo AFP.
Việc tăng cường các cuộc tuần tra chống ma túy ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và dọc biên giới Thái Lan-Myanmar đã khiến những nhóm buôn bán ma túy chuyển sang các tuyến hàng hải thay thế, dẫn đến số lượng ma túy đá bị giới chức Trung Quốc và Thái Lan tịch thu giảm vào năm 2022.
Ma túy đá trước khi bị tiêu hủy ở thành phố Yangon, Myanmar vào ngày 26.6.2021 AFP
"Những đối tượng buôn bán tiếp tục vận chuyển khối lượng lớn ma túy qua Lào và miền bắc Thái Lan, nhưng đồng thời cũng đẩy nguồn cung đáng kể qua miền trung Myanmar đến biển Andaman, nơi dường như ít ai để ý", đại diện UNODC tại khu vực Jeremy Douglas cho hay.
Cũng theo báo cáo trên, khối lượng lớn ma túy đá do Myanmar sản xuất đang được tuồn đến Bangladesh và Ấn Độ. Cảnh sát ở Đông Nam Á và Nam Á đã thu giữ gần 151 tấn ma túy đá vào năm 2022, giảm so với mức kỷ lục 172 tấn được ghi nhận vào năm 2021.
"Các mạng lưới buôn ma túy mạnh nhất trong khu vực có thể hoạt động với mức độ chắc chắn cao rằng chúng có thể và sẽ không bị ngăn chặn", báo cáo UNODC viết. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra bằng chứng cho thấy các mạng lưới buôn bán ma túy đang tìm cách đa dạng hóa mặt hàng.
Trong năm 2022, các nhà chức trách trong khu vực đã thu giữ một lượng kỷ lục 27,4 tấn ketamine, loại thuốc gây mê đang được sử dụng như một dạng ma túy tổng hợp, tăng 167% so với năm 2021. Bên cạnh đó, các nhóm tội phạm đang lập ra các trung tâm sản xuất mới ngoài Myanmar như Campuchia.
"Campuchia đã nổi lên như là điểm chuyển tiếp chính và ở một mức độ nào đó là điểm sản xuất cho việc buôn ma túy trong khu vực. Việc phát hiện ra một loạt phòng thí nghiệm ketamine bí mật, nhà kho chế biến và cơ sở lưu trữ trên khắp đất nước này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong khu vực", ông Douglas nói.
Theo Văn Khoa/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/lien-hiep-quoc-ra-canh-bao-moi-ve-tinh-trang-buon-ma-tuy-da-tu-myanmar-185230602145616621.htm